Nhiều ngành nghề đào tạo tại các trường hiện nay thị trường lao động đang cực kỳ khan hiếm nhân sự, mức lương cũng tốt nhưng việc tuyển sinh lại vô cùng khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do tên ngành kém sang, môi trường làm việc vất vả… Để thu hút tuyển sinh, nhiều trường lấy điểm đầu vào khá thấp. Nếu bạn không ngại khó, đừng bỏ qua các ngành này, vì cơ hội việc làm rất lớn.
Nhóm ngành Nông Lâm Thủy sản
Phát triển Nông thôn
Là ngành hoạt động về lĩnh vực môi trường, kinh tế – xã hội, văn hoá đời sống con người và các vấn đề về cộng đồng sống ở nông thôn. Chuyên ngành này nhằm tạo ra sự phát triển ở các vùng miền nhất là các vùng núi, vùng xa,.. để làm giảm đi sự phân hoá giàu nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Điểm chuẩn vào ngành này chỉ từ 15-20 điểm.
Lâm học
Là một ngành khoa học về rừng. Nhiệm vụ chính của kỹ sư Lâm học là trồng và nuôi dưỡng rừng, khôi phục rừng và những nguồn tài nguyên khác có liên quan đến lợi ích của con người và môi trường. Hiện nay, ngành Lâm học còn nghiên cứu và đào tạo để quản lý không gian xanh đô thị tại các thành phố lớn. Điểm chuẩn vào ngành này chỉ từ 15-20 điểm
Nuôi trồng thủy sản
Là ngành học đào tạo về quá trình chăm nuôi các giống thủy, hải sản trong môi trường ao hồ, lồng bè để có thể thu về nguồn lợi thủy hải sản phục vụ nhu cầu ăn uống, tiêu thụ của con người. Điểm chuẩn vào ngành này chỉ từ 15-17 điểm
Công nghệ thực phẩm
Là ngành học trang bị cho người học những kiến thức về bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất.
Ngành học này đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời là nguồn nhân lực cốt lõi trong các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Điểm chuẩn vào ngành này, trừ các trường ĐH Bách khoa, ĐH KHTN, ĐH Công nghệ thực phẩm, chỉ từ 15-21 điểm
Công nghệ sau thu hoạch
Ngành học chuyên đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có kiến thức và kỹ năng về công nghệ sau thu hoạch; có khả năng hợp tác và quản lý nguồn lực; khả năng thích ứng với công việc đa dạng ở các cơ quan khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ trong bảo quản chế biến nông sản. Điểm chuẩn từ 15-20 điểm.
Nông học
Là ngành học đào tạo kỹ sư nông học với chuyên môn trồng trọt, chăn nuôi có khả năng thực hành cũng như huấn luyện các kỹ thuật canh tác cây trồng, chăn nuôi, kỹ năng tổ chức, quản lý hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển bền vững. Điểm chuẩn vào ngành này chỉ từ 15-18 điểm, cao nhất là ở ĐH Vinh, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Cần Thơ.
Nhóm ngành môi trường
Kỹ thuật môi trường
Là ngành học đào tạo kỹ thuật nhằm kiểm soát và quản lý môi trường. Thông qua các kỹ thuật và công nghệ có thể vận dụng vào việc giảm thiểu và phòng tránh ô nhiễm môi trường. Trừ ĐH Bách khoa HN, TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn các trường khoảng từ 15-21 điểm.
Quản lý Tài nguyên & Môi trường
Là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, rừng, khoáng sản, khí hậu và môi trường.Trừ ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Kinh tế quốc dân, các trường còn lại mức điểm từ 15-20.
Quản lý tài nguyên khoáng sản
Là ngành học chuyên đào tạo sinh viên các kiến thức cơ bản về việc quản lý tài nguyên, môi trường khoáng sản. Sinh viên sẽ có đủ kỹ năng chuyên môn để có thể làm việc trong ngành tài nguyên môi trường và khoáng sản, có kỹ năng quản lý tình hình khoáng sản, khai thác. Điểm chuẩn từ 15-16 điểm.
Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Ngành học này giúp người học có khả năng nhận diện vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đưa ra các giải pháp mang tính liên ngành và tổ chức thực hiện những vấn đề hoạch định, xây dựng chính sách ứng phó với các thiên tai và phát triển bền vững. Điểm chuẩn từ 15-18.
Kỹ thuật tài nguyên nước
Là ngành học về việc nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và thực hiện dự án, tổ chức quản lý hệ thống tài nguyên nước, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Điểm chuẩn từ 15-20 điểm.
Nhóm ngành xã hội nhân văn
Triết học
Là ngành nghiên cứu về các vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan đó cùng với những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức và ngôn ngữ. Điểm chuẩn từ 15-22 tùy trường.
Lịch sử
Là ngành học đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực lịch sử, nghiên cứu về lịch sử loài người trong đó có lịch sử của Việt Nam và thế giới. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được cung cấp khối kiến thức toàn diện về Lịch sử Việt Nam, các phương pháp nghiên cứu lịch sử cần đến trong cuộc sống và trong công việc. Điểm chuẩn từ 15-22 tùy trường.
Ngôn ngữ Nga
Là ngành đào tạo những Cử nhân ngoại ngữ tiếng Nga, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, có khả năng công tác trong các lĩnh vực đòi hỏi sử dụng tiếng Nga. Điểm chuẩn từ 15-20 (Thang điểm 30) tùy trường.
Lưu trữ học
Là ngành học giúp trang bị kiến thức và các nghiệp vụ chuyên môn về quản trị văn phòng, nhân sự, thư kí văn phòng, văn hóa công sở, lễ tân văn phòng, kế toán, tin học, soạn thảo văn bản, quản lí văn bản, lập hồ sơ và lưu trữ, tra tìm hồ sơ, tài liệu. Trừ 2 ĐH KHXHNV, các trường còn lại điểm chuẩn từ 15-18
Thông tin-thư viện
Là ngành học đào tạo cử nhân khoa học về có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tự động hóa trong công tác thông tin thư viện. Trừ 2 ĐH KHXHNV, các trường còn lại điểm chuẩn từ 15-18
Công tác xã hội
Trang bị cho người học hệ thống tri thức khoa học cơ bản, hiện đại về chuyên ngành công tác xã hội và những kỹ năng, nghiệp vụ thành thạo để tác nghiệp công tác xã hội trong các lĩnh vực, chuyên ngành Công tác xã hội trong các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể quần chúng; Công tác xã hội, An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Công tác xã hội với trẻ em.Trừ 2 ĐH KHXHNV, ĐH Sư phạm, các trường còn lại điểm chuẩn từ 15-20 (thang điểm 30)
Giới và phát triển
Là ngành học mới, gắn với các cơ hội việc làm đa dạng như tư vấn giới, tư vấn xã hội; điều phối viên các chương trình, dự án phát triển; cán bộ, chuyên viên hoạt động vì bình đẳng giới thuộc các cơ quan, tổ chức chính phủ, UBND các cấp, các bộ/ngành từ trung ương đến địa phương; cán bộ các tổ chức hoạt động vì cộng đồng, phát triển con người và nhiều vị trí việc làm khác. Điểm chuẩn từ 15-16.
Bài viết liên quan: