Chính phủ đã thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 nhân lực trình độ cử nhân trở lên cho lĩnh vực này. Vậy theo học ngành gì để làm bán dẫn? Trường nào đào tạo bán dẫn?
Công nghệ bán dẫn là gì?
Theo Trường ĐH Đại Nam, công nghệ bán dẫn là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn.
Ngành công nghệ bán dẫn đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu; là nền tảng cho các thiết bị điện tử, vi mạch, và các linh kiện điện tử khác, được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ điện thoại thông minh, máy tính, đến ô tô và thiết bị y tế…
Ngành công nghệ bán dẫn bao gồm các lĩnh vực chính sau:
- Thiết kế vi mạch: Lập kế hoạch và tạo ra các vi mạch với kích thước và chức năng cụ thể.
- Sản xuất bán dẫn: Chế tạo các vi mạch trên tấm bán dẫn bằng các quy trình tiên tiến như in thạch bản và khắc ion.
- Kiểm thử bảo đảm: Đảm bảo chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm bán dẫn trước khi xuất xưởng.
- Đóng gói bán dẫn: Bảo vệ các vi mạch khỏi tác động môi trường và hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác.
Có nên học ngành Công nghệ bán dẫn?
Theo học Công nghệ bán dẫn và các ngành gần thí sinh rất rộng cơ hội việc làm, với thu nhập tốt. Sau đây là những lí do khá thuyết phục để bạn chọn ngành bán dẫn:
- Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Các năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn trình với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc. Việt Nam còn là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn
- Nhu cầu việc làm ngành bán dẫn đang cung không đủ cầu. Hằng năm, chỉ riêng Việt Nam có nhu cầu bổ sung hơn 100.000 nhân lực lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, ngành công nghiệp cần 10.000 kỹ sư nhưng đào tạo nguồn nhân lực chỉ đáp ứng chưa đến 20%. Nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư/năm, thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng.
- Nhân sự một số ngành công nghệ thông tin dễ bị giảm lương hoặc đào thải sau 7-8 năm làm việc, trong khi lao động ngành vi mạch bán dẫn được trả lương theo kinh nghiệm, làm càng lâu lương càng cao. Theo khảo sát, sinh viên mới ra trường có mức thu nhập sau thuế từ 215 – 500 triệu đồng/năm. Các kỹ sư có thâm niên thu nhập hơn 1,3 tỉ đồng/năm.
Học bán dẫn ra trường làm gì?
Học bán dẫn ra trường bạn có thể làm việc ở các vị trí như:
- Kỹ sư thiết kế điện tử, kỹ sư sản xuất, kỹ sư kiểm tra và chất lượng, kỹ sư phân tích và mô phỏng, kỹ sư ứng dụng bán dẫn…
- Chuyên gia về vật liệu bán dẫn
- Kỹ thuật viên giám sát quy trình đóng gói quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn.
- Kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng: thực hiện các quá trình kiểm tra và đánh giá chất lượng của sản phẩm trong ngành công nghiệp bán dẫn như kiểm tra mẫu, chuẩn hoá quy trình kiểm tra, và đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng.
- Kỹ thuật viên bảo trì: phụ trách kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa các máy móc, thiết bị và hệ thống điện tử trong ngành công nghiệp bán dẫn
- Nghiên cứu viên tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn…
- Giảng viên giảng dạy về lĩnh vực bán dẫn.
Học gì để làm ngành bán dẫn?
Hiện nay các trường đào tạo đúng tên ngành Công nghệ bán dẫn chưa nhiều. Học gì để làm ngành bán dẫn là câu hỏi nhiều thí sinh đặt ra.
Theo các chuyên gia, theo đuổi lĩnh vực bán dẫn thí sinh có thể chọn rất nhiều ngành với tên gọi liên quan vi mạch bán dẫn và các ngành gần khác.
Mới đây Bộ Giáo dục dự kiến 75 ngành sẽ đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, điện tử. Sau đây là danh mục dự kiến các ngành đào tạo bán dẫn:




Ngành bán dẫn học trường nào?
Cả nước hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Trường Việt Nam tổng hợp những cơ sở đào tạo uy tín về bán dẫn ở ba miền.
Ngành bán dẫn học trường nào ở Hà Nội?
- Đại học Bách khoa Hà Nội: Có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần. Đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.
- Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn
- Trường Đại học Phenikaa: Đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
- Trường ĐH Đại Nam: Đào tạo Công nghệ bán dẫn
- Trường ĐH FPT: Đào tạo Thiết kế vi mạch
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông: Đào tạo Thiết kế vi mạch
Ngành bán dẫn học trường nào tại Đà Nẵng?
- Trường Đại học Bách Khoa: Thiết kế vi mạch bán dẫn
- Trường đại học Sư Phạm Kỹ thuật: Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn
- Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn: Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn
Ngành bán dẫn học trường nào ở TPHCM?
- Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bậc và Vi mạch bán dẫn
- Trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM: Đào tạo ngành Thiết kế vi mạch
- Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM: Đào tạo Thiết kế vi mạch và Khoa học công nghệ bán dẫn.
- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Đào tạo Thiết kế vi mạch
- Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn: Đào tạo ngành Thiết kế vi mạch
- Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: Đào tạo Thiết kế vi mạch
- Đại học Tôn Đức Thắng: Đào tạo Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn.
Bài viết liên quan: