Dùng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh là xu hướng được nhiều trường đại học thực hiện trong những năm gần đây. Năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của các trường có gì mới là câu hỏi nhiều thí sinh quan tâm. Cùng Trường Việt Nam tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực.
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM 2023
Kỳ thi đánh giá năng lực 2023 dự kiến được ĐHQG TPHCM tổ chức 2 đợt: đợt 1 vào cuối tháng 3 và đợt 2 cuối tháng 5.
Điểm mới kỳ thi năm 2023 là việc mở rộng thêm các địa điểm tổ chức thi. Ngoài 17 địa phương đã tổ chức kỳ thi, ĐH này có thể xem xét mở rộng thêm điểm thi tại Lâm Đồng hoặc khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh dự thi.
Đề thi sẽ được chuẩn hóa hơn nhưng cấu trúc vẫn được giữ ổn định. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm).
Năm 2022 kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM được trên 80 trường đại học sử dụng để tuyển sinh. Tìm hiểu kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM thí sinh truy cập website http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội 2023
Trung tâm khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi.
Kỳ thi dự kiến tổ chức tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước như năm 2022, bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên.
Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2-2023. Mỗi thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai đợt cách nhau 4 – 6 tuần, tính cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN sẽ được tổ chức thi trên máy tính, thí sinh không cần qua vòng sơ tuyển.
Bài thi gồm 3 phần đó là: phần tư duy định lượng (Toán học), tư duy định tính (Ngữ văn) và phần khoa học (gồm các môn học Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa…). Mỗi một phần gồm 50 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút.
Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ tháng 2-2023, tại địa chỉ: http://khaothi.vnu.edu.vn.
Năm 2022, có hơn 60 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.
Kỳ thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội 2023
Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội 2023 dự kiến tổ chức ba đợt thi, vào các tháng 5, 6 và 7, tăng hai đợt so với các năm trước.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã thông báo điều chỉnh cấu trúc, nội dung đề thi đánh giá tư duy và bắt đầu áp dụng từ năm 2023. Theo đó, bài thi tư duy diễn ra trong 150 phút, ít hơn 120 phút so với cấu trúc cũ. Trong đó, mỗi phần Tư duy Toán học và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề có thời lượng 60 phút, còn Tư duy Đọc hiểu 30 phút.
Phần thi | Hình thức | Thời lượng (phút) | Điểm |
Tư duy Toán học | Trắc nghiệm | 60 | 40 |
Tư duy Đọc hiểu | Trắc nghiệm | 30 | 20 |
Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề | Trắc nghiệm | 60 | 40 |
Tổng | 150 | 100 |
Ngoài thay đổi về thời lượng, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 còn ba thay đổi khác.
Thứ nhất, câu hỏi của cả ba phần thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, tổng điểm 100. Năm ngoái, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận.
Thứ hai, cấu trúc đề thi đánh giá tư duy mới không còn bài tổ hợp khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và tiếng Anh. Phần thi Toán học và Tư duy Đọc hiểu như năm trước.
Phần Toán học của bài thi đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy của học sinh thông qua chương trình Toán lớp 11 và 12, gồm kiến thức về số học, đại số, hàm số, hình học, thống kê và xác suất.
Ở phần Đọc hiểu, thí sinh được đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng thông qua các văn bản khoa học, văn học, báo chí. Câu hỏi đọc hiểu yêu cầu thí sinh sử dụng kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định ý chính, giải thích các chi tiết quan trọng, hiểu chuỗi sự kiện.
Phần Khoa học/Giải quyết cung cấp thông tin khoa học được thể hiện dưới dạng dữ liệu (đồ thị, bảng biểu, sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu hoặc quan điểm xung đột. Các câu hỏi của phần này nhằm kiểm tra cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và kỹ năng giải quyết vấn đề của thí sinh. So với năm 2022, đề thi mới không còn phần lựa chọn, nên thí sinh bắt buộc tham gia toàn bộ ba phần của đề thi.
Thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như các năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tổ chức nhiều đợt, địa điểm thi khác nhau và thí sinh không bị giới hạn số lần thi
Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023 sẽ có 8 môn.
Thời gian thi một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, sau khi học sinh đã học xong Chương trình giáo dục phổ thông và trước khi học sinh thi tốt nghiệp THPT.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển Đại học (ĐH).
Cấu trúc đề thi các môn cụ thể như sau:
Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng kí dự thi.
Có 8 trường Đại học đã chấp nhận sử dụng kết quả của kỳ thi năng lực do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển vào trường năm 2023. Đó là các trường: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh), Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023 trên website http://tuyensinh.hnue.edu.vn
Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm TPHCM 2023
Năm 2023 Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến vừa tăng đợt, vừa mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm tới.
Kỳ thi dự kiến được tổ chức 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6 để thí sinh có nhiều cơ hội tham gia. Bên cạnh đó, trường cũng có thể xem xét việc mở rộng các địa điểm tổ chức kỳ thi ngoài TPHCM. Đồng thời, trường cũng sẽ tiếp tục mở rộng ngân hàng đề thi và hoàn thiện thêm phần mềm tổ chức thi.
Năm 2023 Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên mức 30 – 40% (thay vì 20% chỉ tiêu mỗi ngành như năm 2022). Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên số lượng 21 ngành xét tuyển theo phương thức này, chưa áp dụng đồng loạt cho tất cả các ngành trong năm tới.
Nội dung kiến thức kiểm tra sẽ được giữ ổn định như năm 2022. Theo đó, câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70 – 80% chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10.
Năm 2022 là năm đầu tiên trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT. Kỳ thi này gồm 6 bài thi thuộc các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh
Hình thức thi:
-Đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn (phần trắc nghiệm), Tiếng Anh (phần nghe, đọc) các thí sinh sẽ làm trên máy, nên kết quả sẽ được trả về ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi.
-Đối với phần tự luận môn Văn, phần thi nói, viết của môn Tiếng Anh sẽ được chấm bởi giám khảo.
Với các bài thi môn Toán, Lý, Hóa, Sinh mỗi bài thi sẽ gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, điền từ làm trong 90 phút. Môn văn gồm 20 câu trắc nghiệm, 1 câu tự luận làm trong 90 phút và môn tiếng Anh gồm 4 phần Nghe, nói, đọc, viết được làm trong 180 phút.
Thí sinh tìm hiểu kỳ thi đánh giá năng lực do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức tại website https://dkdgnl.hcmue.edu.vn/ và làm theo các hướng dẫn.
Kỳ thi đánh giá TestAS Trường ĐH Việt Đức 2023
Trường ĐH Việt Đức dùng kết quả Kỳ thi đánh giá TestAS làm phương thức tuyển sinh vào trường cho năm 2023.
Kỳ thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của trường.
Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.
Năm 2022, bài thi bao gồm một bài thi kiến thức cơ bản (Core Test) và một bài thi kiến thức khối chuyên ngành (Subject Specific Test). Bài thi kiến thức khối chuyên ngành được quy định như sau:
- Đối với ngành CSE: Bài thi về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên;
- Đối với các ngành ECE, MEN, BCE, EPE và ARC: Bài thi về Kỹ thuật
- Đối với các ngành BFA, BBA: Bài thi về Kinh tế.
Kết quả tổng hợp của bài thi đầu vào hoặc của chứng chỉ TestAS hợp lệ được xác định từ kết quả của hai bài thi thành phần theo tỉ lệ: Bài thi kiến thức cơ bản: 40% và bài thi kiến thức khối chuyên ngành: 60%.
Tìm hiểu về kỳ thi TestAS Trường ĐH Việt Đức tại: https://vgu.edu.vn/vi/admission/bachelor/admission-requirements/mode-1
Kỳ thi đánh giá năng lực của Bộ Công an
Đang cập nhật 2023
Trước đó, năm 2022 chính là năm đầu tiên Bộ Công an thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực và lấy kết quả để tuyển sinh vào các trường công an nhân dân trên phạm vi toàn quốc.
Bài thi đánh giá năng lực Bộ Công an gồm có 2 phần thi (trắc nghiệm, tự luận). Thí sinh hoàn thành bài thi trong 180 phút (1 buổi), trong đó cả 2 phần trắc nghiệm và phần tự luận đều có thời gian làm bài là 90 phút.
Phần thi trắc nghiệm đánh giá kiến thức của các thí sinh ở 3 lĩnh vực:
Khoa học tự nhiên: gồm 25 câu hỏi (25 điểm tương ứng mỗi câu 1 điểm)
Khoa học xã hội:gồm 25 câu hỏi (25 điểm tương ứng mỗi câu 1 điểm)
Ngôn ngữ: thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 ngôn ngữ là tiếng Anh hoặc tiếng Trung với 20 câu (10 điểm tương ứng mỗi câu 0,5 điểm)
Phần tự luận, thí sinh được lựa chọn 1 trong hai lĩnh vực đó là Toán học hoặc Ngữ văn.
Môn Toán có từ 3 – 5 câu với 40 điểm, trong đó kiến thức lớp 12 (80%), kiến thức lớp 10 và lớp 11 (20%).
Môn Ngữ văn gồm có 2 câu với 40 điểm nằm trong kiến thức lớp 12, trong đó câu 1 đọc hiểu (10 điểm); câu 2 làm văn (30 điểm).
Cấu trúc đề thi đánh giá của Bộ Công an mang tính tổng hợp, đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh và có sự phân hoá cao, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức các môn THPT, tiếp cận với cách kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.
Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Ngân hàng TPHCM
Năm nay lần đầu tiên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có tổ chức kỳ thi riêng.
Nhà trường dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá riêng (đợt 1) vào đầu tháng 4 tại TPHCM. Tổng chỉ tiêu dự kiến dành cho phương thức này là từ 10-15% mỗi ngành.
Kỳ thi đánh giá năng lực riêng của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM gồm 6 môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và tiếng Anh với hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Thí sinh được lựa chọn đăng ký thi 3 hay nhiều môn theo tổ hợp xét tuyển và được dự thi nhiều đợt. Nội dung các bài thi bám sát chương trình học cấp THPT, theo định hướng kiểm tra năng lực học đại học của thí sinh.
Để xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh còn phải có điểm trung bình học tập lớp 11 và học kỳ I lớp 12 từ 6,5 trở lên.
Các thông tin về đề thi, lệ phí, cách tính điểm xét tuyển cụ thể của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được trường công bố sớm nhất trên trang tuyển sinh www.tuyensinh.hub.edu.vn
BOX: Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Bài viết liên quan: