Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) ở cấp 3 có tính định hướng nghề nghiệp. Vì thế, kết thúc lớp 9, chuẩn bị vào lớp 10, học sinh phải chọn lựa nhóm môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp và các khối xét tuyển đại học. Trường Việt Nam chia sẻ thông tin về các môn học lớp 10 theo chương trình mới; Các tổ hợp môn lớp 10 học sinh thường lựa chọn; Cách chọn tổ hợp môn lớp 10 phù hợp với khối thi đại học.
Các môn học lớp 10
Chương trình GDPT mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 – 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT).
Vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.
Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Theo đó, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học….
Bên cạnh đó còn có các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Các tổ hợp môn lớp 10
Có bao nhiều môn học lớp 10? Có 8 tổ hợp. Theo quy định, các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Hiện các trường THPT thường xây dựng các tổ hợp môn lớp 10 lựa chọn như sau:
- Nhóm 1: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học.
- Nhóm 2: Vật lý, hóa học, địa lý, tin học
- Nhóm 3: Vật lí, Sinh học, Tin học, Địa lý
- Nhóm 4: Vật lí, Hóa học, Tin học, Công nghệ
- Nhóm 5: Hóa học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ.
- Nhóm 6: Sinh học, Địa lý,GD KT&PL,Công nghệ.
- Nhóm 7: Vật Lí, Địa lý,Tin học, Công nghệ.
- Nhóm 8: Hóa học, Địa lí, GD KT&PL, Công nghệ.
Cách chọn tổ hợp môn lớp 10
Để lựa chọn được tổ hợp môn lớp 10 (4 môn học trong số các môn lựa chọn), cha mẹ và học sinh cần cân nhắc kỹ dựa trên 4 yếu tố.
- Căn cứ vào mục tiêu nghề nghiệp của học sinh.
- Căn cứ vào năng lực và sở thích hiện tại của học sinh.
- Tương lai của thị trường lao động.
- Điều kiện tổ chức dạy học các môn lựa chọn của trường học.
Trong đó, liên quan đến định hướng mục tiêu nghề nghiệp và sở thích, năng lực, học sinh, phụ huynh cần xác định ngành nghề, đối chiếu đến các khối xét tuyển đại học phổ biến để cân nhắc chọn tổ hợp môn lớp 10 phù hợp.
Các khối xét tuyển đại học hiện nay rất nhiều, trong đó các khối phổ biến được nhiều trường tuyển sinh gồm:
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh
- B00: Toán, Sinh Học, Hóa Học
- C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
- D01: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh
- D07: Toán, Hoá, Tiếng Anh
Tuỳ thuộc vào ngành nghề/khối xét tuyển cho mục tiêu đại học, phụ huynh, thí sinh có thể chọn nhóm tổ hợp môn phù hợp ở lớp 10.
Ví dụ, học sinh định hướng học ngành Bác sĩ đa khoa. Ngành này các trường đại học thường xét tuyển khối B00 (Toán, Hoá, Sinh). Vậy khi đăng ký tổ hợp môn lựa chọn lớp 10, học sinh nên đăng ký các nhóm môn có môn Hoá, Sinh để tiện cho việc học thi và xét tuyển. Có các tổ hợp môn sau phù hợp khối B00:
- Hóa học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ
- Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học.
Có nên đổi tổ hợp môn lựa chọn?
Theo khuyến cáo của nhà trường, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Bởi thay đổi môn học giữa chừng sẽ khó khăn cho học sinh trong việc bắt nhịp với môn thay thế.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì vẫn được chuyển đổi.
Việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Kinh nghiệm cho thấy nếu bắt buộc phải chuyển, tốt nhất chỉ nên chuyển đổi vào cuối năm lớp 10, sau thời gian này học sinh sẽ rất khó khăn trong việc bù đắp kiến thức môn mới, vì khối lượng kiến thức quá nhiều.
Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó. Thường để bắt kịp môn học thay thế học sinh phải chủ động học bổ sung kiến thức ngay trong hè.
Bài viết liên quan: