Có rất nhiều tiêu chí để xếp hạng thế nào là một đại học tốt nhất. Cá nhân từng người có thể nhìn vào điểm chuẩn đầu vào, tỷ lệ việc làm và mức độ thành công của sinh viên sau tốt nghiệp, hay sự hài lòng của sinh viên về dịch vụ, chất lượng đào tạo. Còn các tổ chức đánh giá các trường đại học tốt, thì lại có hệ thống tiêu chí khoa học dựa trên các dữ liệu so sánh. Bài viết này của Trường Việt Nam tổng hợp dựa trên thông tin các bảng xếp hạng uy tín quốc tế như THE, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS AUR) …
Cụ thể những Trường Đại Học top đầu Việt Nam theo THE như sau:
Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường công lập, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ việc thu chi học phí.
Được thành lập năm 1997, TDTU đã nhanh chóng phát triển thành một trường đại học lớn của Việt Nam với mô hình phát triển năng động, hiệu quả.
TDTU đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, song song với việc đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và quốc tế hóa nhà trường.
Trong nhiều năm qua, thành tựu khoa học công nghệ của TDTU luôn nằm trong nhóm các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.
TDTU cũng đã trở thành đầu mối hợp tác quốc tế quan trọng với hàng ngàn lượt sinh viên trao đổi mỗi năm, hơn 150 đối tác quốc tế và đặc biệt, TDTU là thành viên sáng lập của Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế (UCI) với 10 thành viên là các đại học lớn đến từ 9 quốc gia: Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ý, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam với mục đích hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển hoạt động giáo dục và nghiên cứu.
Trường ĐH Duy Tân
ĐH Duy Tân là Đại học Tư thục Đầu tiên và Lớn nhất miền Trung đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực. Kết quả khảo sát việc làm cho thấy tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt hơn 95%.
Đại học Duy Tân đã xây dựng được một đội ngũ gồm 1.223 cán bộ, giảng viên cơ hữu, trong đó, có hơn 28% giảng viên có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ công tác tại Đại học Duy Tân đã tốt nghiệp từ các trường có uy tín ở Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ,…
Ngoài ra, có khoảng 200 giảng viên trong và ngoài nước thường xuyên đến Đại học Duy Tân thỉnh giảng. Đội ngũ này góp phần đưa Đại học Duy Tân đứng Top 50 trong số các cơ sở có số công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam với 5.896 bài báo có chỉ số ISI/Scopus, 157 bài quốc tế khác, 15 bằng sáng chế,…
Nhà trường có vị trí rất cao trên các bảng xếp hạng thế giới. Có thể kế đến:
- – Top 500 Đại học Tốt nhất Thế giới theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022,
- – Top 700 Đại học tốt nhất Thế giới theo Xếp hạng của Shanghai Ranking năm 2021,
- – Top 210 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2022 theo QS Asian University Rankings,
- – Top 577 các trường đại học Đại học toàn cầu năm 2022 theo U.S. News & World Report,
- – Xếp thứ 3 Đại học của Việt Nam (thứ 1482 thế giới) trên bảng xếp hạng các Đại học trên Thế giới – CWUR,
- – Xếp thứ 2/12 Đại học của Việt Nam (thứ 770 thế giới) trên bảng xếp hạng theo Học thuật – URAP,
- – Xếp thứ 2 của Việt Nam trên bảng xếp hạng Nature Index 2020
- – Đại học thứ 2 của Việt Nam đạt kiểm định ABET của Mỹ, là cơ sở đại học có nhiều kiểm định ABET nhất Việt Nam với 4 chương trình: Công nghệ/Kỹ thuật Phần mềm, Kỹ thuật Mạng, Hệ thống Thông tin Quản lý và Điện – Điện tử.
ĐH Quốc gia Hà Nội
Trường được biết đến với tên tiếng Anh là: Vietnam National University, Hanoi. Trường được thành lập vào năm 1906, còn có tên trước đó là Viện ĐH Đông Dương, ĐH quốc gia Việt Nam, ĐH Tổng hợp Hà Nội và từ năm 1993 có tên như hiện tại.
ĐHQGHN có các trường trực thuộc: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Công nghệ, ĐH Kinh tế, ĐH Giáo dục, ĐH Việt – Nhật, Trường Đại học Y Dược.
ĐHQG là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
Năm 2020, lần đầu tiên, ĐHQGHN có mặt trong nhóm 101 – 150 trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm theo Bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50. Cùng với đó, Bảng xếp hạng đại học QS Thế giới 2021 (QS World University Rankings 2021), lần thứ 3 liên tiếp xếp ĐHQGHN vào nhóm 801 – 1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu.
Cũng theo kết quả xếp hạng THE theo lĩnh vực (THE WUR by Subject), 3 lĩnh vực của ĐHQGHN nằm trong nhóm 400 – 600 thế giới đó là: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học Vật lý. Theo đó, lĩnh vực Khoa học máy tính (Computer Sciences) lần đầu tiên được THE đánh giá, nhưng đã có thứ hạng trong nhóm 501 – 600 thế giới; Khoa học Vật lý (Physical Sciences) được xếp trong nhóm 601 – 800 thế giới; Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) được xếp trong nhóm 401 – 500 thế giới.
ĐH Quốc gia Tp.HCM
ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 38 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên (Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Quốc Tế, Trường đại học Công nghệ Thông tin, Trường đại học Kinh tế – Luật, Trường đại học An Giang), 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị – Hành chính), 1 Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.
ĐHQG-HCM đào tạo 82.586 sinh viên đại học, 7.224 học viên cao học, 1.037 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 30 giáo sư, 305 phó giáo sư và 1.063 tiến sĩ. Là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, chương trình đào tạo của ĐHQG-HCM gồm các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế – luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp… với 3 trình độ: đại học (134 ngành), thạc sĩ (133 ngành) và tiến sĩ (96 ngành)*.
Xác định tầm nhìn là một hệ thống đại học trong top đầu châu Á, ĐHQG-HCM nhiều năm liên tiếp được Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds Asia xếp hạng thuộc top 150 ĐH hàng đầu châu lục này. Từ năm 2019, ĐHQG-HCM duy trì thứ hạng thuộc top 701-750 do Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc đánh giá trên 1.000 trường đại học hàng đầu thuộc 82 quốc gia.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội có tên tiếng Anh là Hanoi University of Science and Technology. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Trường thuộc nhóm ĐH trọng điểm quốc gia và cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Việt Nam.
Năm 2013, theo công bố 10 kỷ lục Việt Nam của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường ĐHBK Hà Nội là Trường ĐH nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 2004, Trường đã hỗ trợ đăng ký thành công gần 120 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích trong đó 50 đơn đã được cấp bằng bảo hộ.
Từ tháng 1/2015, Trường đã trở thành 1 trong 13 thành viên chính thức của Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương AOTULE (Asia-Oceania Top University League on Engineering).
Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á, theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS AUR) ngày 2/11/2021 cũng có mặt nhiều trường ĐH Việt Nam. Ngoài 5 trường trên còn có những gương mặt đại học uy tín sau:
Đại học Huế
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập từ năm 1957. Trải qua h ơn 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế (TT Huế), miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; luôn xếp trong tốp năm cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, tốp 350 –500 các ĐH hàng đầu châu Á.
Hiện nay, Đại học Huế có 09 đơn vị thành viên: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ; Trường Đại học Luật, Viện Công nghệ Sinh học; Trường Du lịch; 03 khoa thuộc: Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ; Phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị; các trung tâm, viện đào tạo, nghiên cứu và phục vụ đào tạo và Nhà xuất bản.
Đại học Huế luôn tự hào về truyền thống, vị thế và vai trò, tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo. Tính đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Huế được đánh giá là đặc biệt rõ nét với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo.
ĐH Cần Thơ
ĐH Cần Thơ trước đây là Viện ĐH Cần Thơ được thành lập từ năm 1966, là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia. Trường là một trong ba trường ĐH tại Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế của Hệ thống đại học ASEAN, bằng cấp có giá trị sử dụng toàn Đông Nam Á.
Trường thuộc các trường top đầu về đào tạo đa ngành đặc biệt là nông – lâm – ngư nghiệp, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chính sách quản lý của Việt Nam. Các ngành đào tạo như Sư phạm, Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y, Thủy nông và Cải tạo đất, Cơ khí Nông nghiệp…
Hiện nay Trường đào tạo 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 3 chương trình đào tạo chất lượng cao), 45 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh.
Ngày 04/3/2020, QS đã công bố “Bảng xếp hạng đại học theo lĩnh vực năm 2020”. Theo đó, Trường Đại học Cần Thơ được xếp hạng nhất tại Việt Nam và nhóm hạng 251-300 trên thế giới ở nhóm ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp.
ĐH Đà Nẵng
Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ, nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng năng động, phát triển và là hạt nhân, động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên,
Là đại học Vùng trọng điểm quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp độ quản lý, tr ư ờng bao gồm: 06 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn) và 07 đơn vị đào tạo trực thuộc (Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Khoa Y Dược, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên, Khoa Đào tạo Quốc tế, Khoa Giáo dục Thể chất và Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh).
ĐHĐN là ĐH vùng đầu tiên của cả nước có 100% các trường ĐH thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục Quốc gia từ năm 2016. Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN là một trong bốn trường ĐH đầu tiên của Việt Nam kiểm định, được công nhận đạt chuẩn quốc tế HCERES (Châu Âu). Tính đến năm học 2020-2021, ĐHĐN xếp thứ 03 trong cả nước về số chương trình đào tạo được kiểm định, đạt chuẩn quốc tế với 24 chương trình kiểm định, đạt chuẩn chất lượng khu vực Đông Nam Á (AUN – QA), Châu Âu (CTI).
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và đa ngành chất lượng cao, là một trong các trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam
Trường ĐHSP Hà Nội đã đào tạo hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục, trong đó có những người sau này trở thành nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, góp phần làm rạng danh nền học vấn nước nhà. Đó là các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân hay nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Phạm Tiến Duật … tất cả đã cống hiến và trưởng thành từ mái trường này.
Nhiều giảng viên của Trường là những chuyên gia đầu ngành có uy tín không chỉ trong nước, mà cả trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, trường đã có 70 giảng viên được phong học hàm Giáo sư, hơn 350 Phó Giáo sư, 33 Nhà giáo Nhân dân và 118 Nhà giáo Ưu tú.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong các trường đại học trọng điểm của quốc gia, trường có số lượng người học thuộc các bậc, hệ đào tạo, từ Cử nhân đến Thạc sĩ, Tiến sĩ được coi là lớn nhất nước với lưu lượng hàng năm hơn 30.000 sinh viên, học viên.
Mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp với hơn 125 đối tác giáo dục quốc tế đến từ các quốc gia lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Australia, New Zealand, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore.
Trường có mặt trong nhiều bảng xếp hạng trong nước và quốc tế:
- Top 376 trong BXH quốc tế các cơ sở nghiên cứu (SCImago) khu vực châu Á;
- Top 1000 Trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới (Theo BXH Eduniversal) từ năm 2014;
- Top 551+ trong BXH các Trường Đại học tốt nhất Châu Á (Theo BXH QS châu Á) (2022);
- Top 25 đại học tốt nhất thế giới đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp suốt đời (Theo BXH U-Multirank) (2016, 2017, 2018 2020);
- Top 100 Trường đào tạo Thạc sĩ tốt nhất thế giới (Theo BXH Eduniversal) (2018);
- Top 01 trong các trường kinh tế, kinh doanh và Top 10 trường đại học tốt nhất Việt Nam (Theo BXH Webometrics) (07/2021);
- Top 10 trường đại học công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam (2019);
- Top 05 trường đại học công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam (2020);
- Top 01 trường đại học công bố quốc tế uy tín nhiều nhất Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh (2020);
Kết luận, theo thông tin của Tạp chí của Hoa Kỳ – U.S.News & World Reports về công bố Bảng xếp các trường Đại học Tốt nhất Toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities), thì Việt Nam có 5 trường. 5 trường này cũng lọt vào Times Higher Education (THE) vào ngày 19-10-2021 theo công bố bảng xếp hạng THE Emerging Economies University Rankings 2022 – Xếp hạng Đại học (ĐH) Thế giới ở các Nền Kinh tế Mới nổi năm 2022. (Nguồn: tuoitre)
Bài viết liên quan: