Nghe tên không được sang chảnh cho lắm, nhưng ngành Lưu trữ học lại là ngành dễ tìm việc, trong khi điểm đầu vào lại mềm. Ngành lưu trữ cũng đã được Thủ tướng ra Quyết định chọn ngày 3.1 hằng năm là ngày truyền thống của ngành, cho thấy những người làm ngành này đáng được ghi công và tri ân.
Ngành Lưu trữ học là gì?
Lưu trữ học là ngành học cung cấp những kiến thức chuyên sâu về công tác lưu trữ và quản lý văn thư. Ở ngành học này, sinh viên được đào tạo kỹ càng kỹ năng liên quan đến công việc bảo quản, sắp xếp hồ sơ, tài liệu, hỗ trợ hành chính tại các cơ quan, doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học
Theo Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội, ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên ngành Lưu trữ học được trang bị kiến thức cơ bản về văn thư, lưu trữ qua nhiều môn học chuyên ngành: Quản lý văn bản điện tử, Lưu trữ tài liệu điện tử, Bảo quản tài liệu lưu trữ, Pháp chế công tác văn thư – lưu trữ, Chỉnh lý khoa học tài liệu, Thông tin phục vụ lãnh đạo và quản lý,…
Theo định hướng đào tạo, cử nhân ngành Lưu trữ học sẽ được đào tạo kiến thức chung về khoa học xã hội và nhân văn một cách cơ bản; kiến thức chuyên môn và kiến thức bổ trợ về các lĩnh vực: văn thư, lưu trữ nhằm giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn; tham mưu và giúp lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác văn thư, công tác lưu trữ; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường có đào tạo về lĩnh vực văn thư, lưu trữ; đào tạo kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ thực hiện các công việc văn phòng, văn thư và lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp…
Ngành Lưu trữ học có dễ xin việc làm?
Ngành Lưu trữ học có dễ xin việc làm là câu hỏi nhiều thí sinh thường đặt ra, bởi thoáng nghe tên thấy… không sang.
Thực tế ngành này nhiều việc hơn bạn tưởng. Hiện các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đều có bộ phận về văn phòng và những người làm về công tác văn thư nên cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp rất rộng mở.
Sinh viên học ngành này có thể làm việc trong tất cả các loại hình cơ quan như tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp từ T.Ư đến địa phương.
Các vị trí việc làm ngành Lữu trữ học như sau:
- Lưu trữ viên trong các lưu trữ lịch sử (trung ương, tỉnh), lưu trữ chuyên ngành (quân đội, công an, điện lực, tài nguyên – môi trường,… từ cấp tỉnh trở lên) và lưu trữ cơ quan của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
- Chuyên viên văn thư trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác;
- Giảng viên tại các cơ sở đào tạo về văn thư, lưu trữ tại các trường đại học;
- Nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu về công tác văn thư và công tác lưu trữ;…
Lương ngành Lưu trữ học
Mới tốt nghiệp ra trường, mức lương có thể từ 5-8 triệu đồng tùy loại hình doanh nghiệp
Mức lương là khoảng 10 – 20 triệu đồng/tháng cho hệ đại học có từ 2-3 năm kinh nghiệm trở lên.
Các bạn làm cho doanh nghiệp nước ngoài cao hơn, khoảng 15 – 25 triệu đồng/tháng”
Các khối xét tuyển ngành Lưu trữ học
Hiện các trường có nhiều phương thức xét tuyển ngành Lưu trữ học. Nếu xét theo tổ hợp học bạ hay điểm thi tốt nghiệp, thường có các khối sau:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
- Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
- Khối D01 (Toán, Văn, Anh)
- Khối D04 (Văn, Toán, tiếng Trung)
- Khối D78 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
- Khối D83 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung)
- Khối D14 (Văn, Lịch sử, Tiếng Anh)
- Khối C19 (Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân)
- Khối C20 (Văn, Địa lí, Giáo dục công dân)
Các trường đào tạo ngành Lưu trữ học. Điểm chuẩn Ngành Lưu trữ học
Hiện không nhiều trường đào tạo ngành này. Bạn có thể tham khảo 3 đơn vị sau:
- Trường ĐHKHXH&NV -ĐHQG Hà Nội: 22-27 (năm 2022)
- Học viện Hành chính quốc gia: 15-18 (năm 2022-ĐH Nội vụ Hà Nội)
- Trường ĐHKHXH&NV -ĐHQG TPHCM: 21,25-21,75 (năm 2022)
Bài viết liên quan: