Mới đây, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết từ năm 2018, trường sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo ngành actuary (định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro). Ngành học mới được đào tạo ở Việt Nam này mở ra với hi vọng góp phần giúp thị trường lao động trong nước thoát cảnh ‘ăn đong” nhân sự ngoại quốc.
Nhân lực Việt quá hiếm
Định phí bảo hiểm (actuary-ĐPBH) là một ngành hấp dẫn thuộc lĩnh vực tài chính- bảo hiểm. Làm việc trong lĩnh vực ĐPBH, những chuyên gia phải sử dụng nhuần nhuyễn các mô hình toán học, lý thuyết xác suất thống kê và tài chính để nghiên cứu, tính toán rủi ro.
Trong một công ty bảo hiểm, actuary đảm trách hai nhiệm vụ chính là định giá sản phẩm bảo hiểm, tính toán khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm và tính toán dự phòng cho các hoạt động bảo hiểm. Sau khi tham gia thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khách hàng, actuary sẽ dựa trên những tính toán khoa học để định giá cho sản phẩm với yêu cầu đảm bảo được quyền lợi khách hàng trong trường hợp có sự cố xảy ra với người mua bảo hiểm cũng như đảm bảo được khả năng sinh lời của công ty bảo hiểm. Actuary cũng chính là người chịu trách nhiệm chính cho những sản phẩm mình đã tạo ra. Họ cũng phải tính toán làm sao để công ty đủ khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm cũng như đảm bảo mức dự phòng cho các hoạt động khác. Ngoài lĩnh vực bảo hiểm ra, cơ hội việc làm của các chuyên viên ĐPBH còn rộng mở ở các lĩnh vực khác như kế hoạch hưu trí, quản lý rủi ro trong các định chế tài chính đến lĩnh vực đầu tư ngân hàng, mua bán sáp nhập các công ty tài chính hay bảo hiểm,…
Định phí bảo hiểm là một nghề đòi hỏi năng lực chuyên môn cao
ĐPBH là một nghề có lương rất khủng. Ở Mỹ, đây là nghề giữ vị trí thứ 2 trong danh sách 10 ngành nghề có mức thù lao cao & hấp dẫn nhất nước, với mức lương trung bình cho một chuyên viên ĐPBH tại đây khoảng 103.000 USD. Thế nhưng, cũng ngay tại quốc gia này, nghề ĐPBH cũng rất khan người. Thị trường lao động khan hiếm đến nỗi, ngành ĐPBH nằm trong nhóm ngành nghề được ưu tiên định cư tại một số quốc gia ở châu Âu và các nước phát triển khác như Úc, Mỹ, Canada…
Tại Việt Nam, các chuyên gia định phí mới chỉ mới phát huy khả năng trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực hẹp này thì thị trường cũng không có đủ nguồn lao động. Hiện nhân sự ĐPBH có bằng chuyên gia định phí quốc tế hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và vị trí chuyên gia định phí tại các công ty bảo hiểm hiện nay chủ yếu do người nước ngoài đảm trách. Đặc biệt, đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, việc phải áp dụng quy định mới về chuẩn actuary càng khiến vấn đề thiếu hụt actuary của khối này thêm trầm trọng. Một giải pháp ngắn hạn cho các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đã được đưa ra là tìm kiếm tuyển dụng actuary đủ tiêu chuẩn từ thị trường Đông Nam Á sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2016, với sự dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng…
Nghề đòi hỏi yêu cầu cao
ĐPBH không phải là một ngành dễ bởi những yêu cầu cao đối với theo học cũng như làm việc trong lĩnh vực này. Để trở thành một chuyên viên giỏi thì bên cạnh việc người học phải cực kì giỏi toán, nhạy bén với các con số còn phải nhạy cảm với sự biến đổi của thị trường, cũng như sự nắm bắt nhanh tâm lý của khách hàng. Thí sinh có thể chinh phục ngành học này nếu Toán là môn học yêu thích và bản thân đạt được điểm số rất cao; nhạy cảm với các con số, là người có sự trừu tượng tốt cũng như kỹ năng phân tích chính xác. Ngoài ra, ngành này đòi hỏi người làm phải có kĩ năng Anh ngữ tốt, có khả năng làm việc độc lập và luôn chịu khó học hỏi, tinh thần trách nhiệm cao.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong giờ học tại thư viện
Trước nay, Việt Nam chưa có nhân lực được đào tạo và tốt nghiệp trong nước về ĐPBH. Chủ yếu nhân lực lĩnh vực này lấy từ nguồn du học trở về. Tuy vậy, chỉ tốt nghiệp đại học chuyên ngành ĐPBH thôi vẫn chưa đủ. Để chính thức trở thành một actuary, các ứng viên có thể tiếp tục tham gia thi lấy bằng của các Hiệp hội Định phí trên thế giới như SOA (Hiệp hội Actuary Mỹ), CIA (Canada) hay IAA (Úc). Ví dụ, nếu bạn chọn lấy chứng chỉ CAS, bạn phải vượt qua 7 kì thi. Hoặc nếu chọn thi lấy chứng chỉ SOA thì bạn cần phải vượt qua 5 kì thi. Anh Lê Thành Nam, một trong hai người Việt Nam đầu tiên nhận được bằng F.S.A. (Fellow of the Society of Actuary) và trở thành thành viên của Hiệp hội Định phí Hoa Kỳ, hiệp hội định phí lớn nhất thế giới cho biết, anh đã phải mất tới 7 năm trời để theo đuổi hàng chục kỳ thi ngặt nghèo, với số lượng người vượt qua chỉ khoảng 30 – 40% trên một cuộc thi! Điều này cho thấy để theo đuổi nghề này là chấp nhận đi trên một con đường rất gian khổ, và muốn thành công phải thực sự kiên trì và nỗ lực.
Trước khi Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở ngành ĐPBH và quản trị rủi ro như vừa thông báo, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Học viện Tài chính và Bảo hiểm (I.S.F.A) – thuộc trường Đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp), liên kết với các trường Đại học Hoa Sen tại TP. Hồ Chí Minh và Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội để đào tạo chuyên gia Định phí Bảo hiểm và Tài chính – Actuary. Với 2 năm học viên học tại Việt Nam và năm cuối học tại Pháp.
Đọc thêm về:
Bài viết liên quan: