Ngành games và thể thao điện tử (eSports) có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Dự kiến trong 3 năm tới, Việt Nam cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game và thể thao điện tử (eSports). Vậy học gì để làm việc trong ngành “công nghiệp không khói” nhiều triển vọng này?
Thể thao điện tử-eSports là gì?
Thể thao điện tử-eSports là cụm từ viết tắt của Electronic Sports, đây là hình thức thi đấu các trò chơi điện tử dành cho các tuyển thủ chuyên nghiệp, được diễn ra trực tuyến với sự tham gia của nhiều tuyển thủ.
eSport thường được thi đấu trên các thiết bị điện tử (PC, điện thoại,…), người chơi thông qua các thiết bị như điều khiển chuột, điều khiển bằng bàn phím, tay cầm…
Thể thao điện tử cũng có cho mình những luật lệ thi đấu và cách tính thành tích dựa trên những môn thể thao thực (nếu có), đảm bảo tính chuyên nghiệp và cạnh tranh công bằng giữa những người tham gia.
Thể thao điện tử -eSports đã được triển khai giải ở nhiều quốc gia, tại SEA Games 32, eSports là một bộ môn thi đấu chính thức và đội tuyển Việt Nam giành được nhiều thành tích cao.
Nhu cầu nhân lực ngành Thể thao điện tử-eSports
Thể thao điện tử (eSports) là ngành rất có tiềm năng trên thế giới và Việt Nam. Hiện, eSports có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, là một nhánh lớn trong các trò chơi điện tử (game).
Theo số liệu của Newzoo (trang thống kê dữ liệu về games và eSports lớn trên thế giới), doanh thu thể thao điện tử toàn cầu năm 2021 cán mốc trên 1 tỉ USD. Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSports là 532 triệu người và có tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025).
Sự lớn mạnh của ngành công nghiệp thể thao điện tử eSports kéo theo nhiều công việc mới xuất hiện với mức thu nhập cạnh tranh như: nhân viên quản lý sự kiện, giám đốc sản xuất, nhà phát triển, chuyên gia truyền thông, người chơi chuyên nghiệp, huấn luyện viên, trọng tài eSports, sáng tạo nội dung… Bên cạnh đó còn nhiều vị trí hậu cần khác phục vụ cho công tác tổ chức giải đấu, sự kiện eSports……
Theo nghiên cứu của Robert Walters, số lượng việc làm liên quan đến eSports đã tăng gấp đôi vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng tiếp trong tương lai. Tại Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, khoảng 3 năm tới, nước ta cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game nói chung và eSports nói riêng. Mức lương ngành thể thao điện tử khởi điểm khoảng 1.200-1.500 USD/tháng.
Học gì để làm việc trong ngành Thể thao điện tử -eSports?
Nhiều nước trên thế giới đã đưa thể thao điện tử vào giảng dạy và đào tạo như: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Tại Việt Nam, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành eSports hầu hết không được đào tạo bài bản. Đa số nhân lực làm việc trong ngành này được đào tạo từ các ngành nghề khác chuyển sang như lập trình, kỹ sư phần mềm, thiết kế game, thiết kế đồ họa…
Hiện các nhà phát hành game hàng đầu đang hỗ trợ xây dựng và phát triển các câu lạc bộ eSports ở trường đại học với kỳ vọng thu hút và săn tìm nhân tài trong lĩnh vực này phục vụ cho ngành công nghiệp thể thao điện tử.
Gần đây, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị-UTM cùng Pearson UK quyết định hợp tác đào tạo chuyên ngành eSports. Đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo nhân sự ngành eSports theo chương trình Cao đẳng BTEC do Pearson cung cấp.
Học viên khi tham gia sẽ được học các môn như: Hệ sinh thái thể thao điện tử, Phân tích kỹ năng và chiến thuật, Lập kế hoạch cho một dự án, Phân tích trò chơi, Triết lý thiết kế trò chơi, Cách thức tổ chức sự kiện, giải đấu, livestream về thể thao điện tử…
Những tố chất cần thiết để theo học ngành Thể thao điện tử-eSports
Để thành công với ngành eSports, người học cần có những tố chất đặc biệt như:
- Có tinh thần đồng đội (năng khiếu làm việc nhóm và hiểu rõ về cách hợp tác với đồng đội;
- Có kỹ năng điều khiển (điều khiển cao trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại);
- Kiên nhẫn và có quyết tâm cao
- Có khả năng quảng bá bản thân (sự sẵn sàng tham gia các hoạt động truyền thông, stream, hoặc các sự kiện để quảng bá bản thân và đội nhóm).
- Có tính sáng tạo…
Bài viết liên quan: