Ngành kinh tế có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường rất cao. Đây cũng là lí do nhóm ngành này luôn dẫn đầu về tỷ lệ chọn của thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh hằng năm. Nhóm ngành kinh tế có rất nhiều ngành với mã đào tạo cũng như chương trình, mục tiêu khác nhau. Cùng Trường Việt Nam tìm hiểu về các ngành kinh tế, nhận diện những ngành kinh tế hot nhất hiện nay nhé.
Các ngành kinh tế
Theo các chuyên gia nhân sự, thị trường việc làm hiện có khoảng 50 nhóm ngành kinh tế khác nhau. Sau đây là các nhóm ngành nổi bật.
Nhóm ngành kinh tế quản trị
Nhóm ngành kinh tế quản trị gồm các chuyên ngành kinh tế cụ thể như: Quản trị kinh doanh, Quản trị lữ hành, Quản trị nguồn nhân lực, Kinh doanh quốc tế,…
Sinh viên theo ngành này sẽ được cung cấp những kiến thức để trở thành một nhà quản trị. Tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế quản trị, người học có thể làm các công việc như: Quản trị marketing, Quản trị nhân sự, Quản trị tài chính, Cố vấn kinh tế – Tài chính.
Nhóm ngành kinh tế tài chính
Nhóm ngành kinh tế tài chính bao gồm các lĩnh vực cụ thể như: Tài chính doanh nghiệp, Quản trị tài chính, Tài chính quốc tế, Thị trường chứng khoán, Hệ thống thông tin tài chính, Bảo hiểm, công nghệ tài chính…
Tốt nghiệp nhóm ngành này người học có thể làm những công việc như: Nhân viên ngân hàng, Tư vấn tài chính, Nhân viên bảo hiểm,…
Nhóm ngành kế toán – kiểm toán
Theo học nhóm ngành kế toán-kiểm toán, sinh viên được cung cấp kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh thông qua các nghiệp vụ: Tính phí, dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhận các công việc liên quan như: Kế toán, kiểm toán, dự báo kinh tế, phân tích chứng khoán, kinh doanh ngoại hối,…
Nhóm ngành kinh tế công
Nhóm ngành kinh tế công gồm các ngành như: Kinh tế và Quản lý công, Kinh tế công nghiệp, Kinh tế nông nghiệp… Nhóm ngành này đào tạo sinh viên trở thành các nhà phân tích kinh tế và đưa ra các hoạch định, chiến lược về kinh tế – xã hội. Sinh viên theo nhóm ngành được trang bị các kiến thức và kỹ năng linh hoạt trong lĩnh vực kinh tế. Sau khi ra trường, bạn có thể làm những công việc liên quan đến thuế, thương mại, môi trường, quản lý kinh tế trong các đơn vị nhà nước…
Nhóm ngành Luật Kinh tế
Nhóm ngành Luật Kinh tế có các chuyên ngành khác nhau như: Chuyên ngành Luật thương mại quốc tế, Luật kinh doanh, Luật Tài chính ngân hàng, Luật đầu tư, Luật chứng khoán,..
Sinh viên được cung cấp khối kiến thức về pháp luật, pháp luật trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; được trang bị kỹ năng tranh tụng tại các tòa án, trọng tài thương mại quốc tế, khả năng sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, kỹ năng đàm phán, tư duy logic,…
Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau: Chuyên viên tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội; Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề trong các tổ chức dịch vụ pháp luật;Chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các cơ quan nhà nước các cấp; Nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế trong các Viện nghiên cứu, Cơ sở giáo dục,…
Học kinh tế ngành nào tốt nhất?
Học kinh tế ngành nào tốt nhất còn tùy thuộc vào sở thích, tính cách, năng lực của mỗi người. Để chọn ngành kinh tế tốt nhất cho bản thân, bạn cần xác định rõ năng lực học tập của mình, mức độ yêu thích công việc khi ra trường.
Mặt khác bạn cũng cần cân nhắc đến nhu cầu thị trường lao động (khả năng dễ kiếm việc làm, mức lương, môi trường làm việc) và điều kiện tài chính gia đình khi theo học.
Thí sinh cũng cần lưu ý không nên chọn ngành theo xu hướng số đông, vì sẽ tạo sự bùng nổ số lượng sinh viên theo học một ngành, dẫn đến hiện tượng thừa nhân lực trong tương lai.
Trong bài viết này Trường Việt Nam giới thiệu đến bạn một số ngành kinh tế được nhiều thí sinh chọn lựa, có tỷ lệ việc làm và thu nhập tốt hiện nay.
Ngành Quản trị marketing
Ngành Quản trị Marketing trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về quản lý, về phương thức xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường mục tiêu, phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thi hành chiến lược marketing, nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp.
Hoàn thành chương trình, sinh viên có khả năng phân tích các cơ hội thị trường, phân khúc thị trường, chọn thị trường mục tiêu phù hợp với mục tiêu và nguồn lực của doanh nghiệp; có khả năng hoạch định chiến lược marketing, triển khai marketing – mix, kế hoạch marketing hàng năm,…
Đọc thêm Ngành Marketing – Marketing là gì.
Kinh doanh quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương quốc tế rất mạnh mẽ, ngành kinh doanh quốc tế rất năng động, mang lại nhiều cơ hội thăng tiến. Tốt nghiệp sinh viên có thể làm những công việc liên quan đến Ngoại giao, Vận tải quốc tế, Xuất nhập khẩu, Marketing quốc tế, Hải quan,…
Xem thêm về Ngành Kinh tế Quốc Tế.
Quản trị Logistics
Logistics đóng góp lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Nó đảm bảo hàng hóa đến được tay người dùng cũng như giúp chuỗi cung ứng diễn ra trơn tru. Tốt nghiệp ngành quản trị logistics sinh viên sẽ có những nghiệp vụ chuyên sâu để làm tốt các công việc liên quan đến hoạt động logistics, như : Nhân viên hoạch định sản xuất, nhân viên thu mua, quản trị nguyên vật liệu, vận tải và phân phối, quản trị tồn kho,…
Đọc thêm bài viết Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Quản trị nhân lực
Ngành Quản trị nhân lực (Quản trị nhân sự) chuẩn bị nền tảng kiến thức giúp sinh viên có thể trở thành những nhà quản lý tiềm năng với khả năng xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề quản trị nhân lực phức tạp; xây dựng và triển khai các chính sách nhằm tạo ra môi trường làm việc mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp/ tổ chức.
Tốt nghiệp, cử nhân Quản trị nhân lực có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong nước; Các trường, viện, trung tâm nghiên cứu hoặc các cơ sở đào tạo khác (nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy về quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh); Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; Về tương lai, cử nhân quản trị nhân lực có thể trở thành các nhà quản lý, nhà quản trị cấp cao hoặc chuyên gia về quản trị nhân lực ở phạm vi quốc gia và quốc tế.
Đọc ngay bài viết về ngành Quản trị nhân lực.
Thương mại điện tử (E-Commerce)
Là ngành đào tạo về hình thức kinh doanh trực tuyến. Người học có thể sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
Tốt nghiệp ngành này bạn có thể làm việc ở các vị trí như: Chuyên viên kinh doanh trực tuyến; Chuyên viên tư vấn về thương mại điện tử; Chuyên viên xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến tại cơ quan và doanh nghiệp (hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng…); Cán bộ giảng dạy nghiên cứu và ứng dụng Thương mại điện tử; Khởi nghiệp doanh nhân: xây dựng kế hoạch kinh doanh để biến ý tưởng thành hiện thực…
Tìm hiểu thêm về ngành thương mại điện tử.
Ngành Công nghệ tài chính
Sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính – ngân hàng cùng các kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, bạn sẽ được tìm hiểu về công nghệ, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính.
Tốt nghiệp ngành công nghệ tài chính, người học có thể đảm nhận các vị trí công việc như:
- Chuyên viên quản lý hệ thống thông tin, hoạch định chiến lược, kiểm soát hệ thống tài chính, phân tích dữ liệu, quản trị và phân tích rủi ro tại các cơ quan quản lý tài chính nhà nước, các cơ quan tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm;
- Chuyên viên phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính tại các tập đoàn, công ty bán lẻ, thương mại điện tử, công ty chứng khoán, dịch vụ công…
- Chuyên viên thẩm định tài sản, chuyên viên kinh doanh ngoại hối, chuyên viên phân tích rủi ro,…; Chuyên viên làm việc tại các công ty công nghệ tài chính, công ty công nghệ, công ty phát triển phần mềm và các công ty cung ứng dịch vụ cho thị trường tài chính
Tự khởi nghiệp và làm chủ trong lĩnh vực công nghệ tài chính; Giảng viên chuyên môn ngành công nghệ tài chính, tài chính ngân hàng tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
Đọc thêm về Ngành công nghệ tài chính.
Các ngành kinh tế tuyển sinh khối nào?
Hiện các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh nhóm ngành kinh tế sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Nếu xét tuyển theo tổ hợp môn điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét học bạ, các trường tốp đầu thường sử dụng phổ biến các khối xét tuyển sau:
- Toán-Lý-Hóa (A00)
- Toán-Lý-Anh (A01)
- Toán-Hóa-Anh (D07)
- Toán-Văn-Anh (D01)
Ngoài ra, còn có một số tổ hợp mở rộng khác với môn thành phần có Toán/ Anh
Các trường đại học kinh tế hàng đầu Việt Nam
Hiện các trường đại học đào tạo đa ngành đều có tuyển sinh khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, những trường có bề dày về đào tạo khối ngành kinh tế thì không nhiều.
Sau đây là các trường đại học kinh tế hàng đầu Việt Nam ở 3 miền.
Top trường kinh tế ở Hà Nội
- Trường ĐH Kinh tế quốc dân
- Trường ĐH Ngoại thương
- Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội)
- Trường ĐH Thương mại
- Học viện Tài chính
- Học viện Ngân hàng
Top trường kinh tế ở miền Trung
- Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế)
- Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng)
- Trường ĐH Kế toán tài chính
Top trường kinh tế ở TPHCM
- Trường ĐH Ngoại thương CS TPHCM
- Trường ĐH Kinh tế TPHCM
- Trường ĐH kinh tế -Luật (ĐHQG TPHCM)
- Trường ĐH Tài chính Marketing
- Trường ĐH Ngân hàng TPHCM
- Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM
Bài viết liên quan: