Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Thiết kế vi mạch trở thành ngành hot, thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh.
Thiết kế vi mạch là gì?
Theo thông tin từ Học viện Bưu chính viễn thông, thiết kế vi mạch (Integrated circuit design) là quá trình tạo ra các mạch tích hợp trên một chip bán dẫn.
Các vi mạch tích hợp này có thể chứa hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử như transistor, điện trở, tụ điện, và nhiều thành phần khác trên một chip nhỏ.
Thiết kế vi mạch được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm điện tử tiêu dùng, viễn thông, ô tô, y tế, năng lượng, và nhiều ứng dụng công nghiệp khác.
Triển vọng ngành thiết kế vi mạch
Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành 4 nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói – kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Việt Nam đã dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp, được đánh giá là một trong các cộng đồng lớn của khu vực. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Hợp tác vi mạch bán dẫn cũng là điểm nhấn trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ. Hiện một số tập đoàn công nghệ trong nước đã làm việc và ký các biên bản ghi nhớ hợp tác cùng với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn như Synopsys, Marvell, Qualcomm,… nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Thiết kế vi mạch học gì?
Chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch của các trường đại học khá giống nhau ở những điểm căn bản.
Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, sinh viên được học kiến thức cơ sở ngành bán dẫn, điện tử, máy tính, công nghệ thông tin và chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch, cùng kiến thức về kỹ năng mềm khác.
Tốt nghiệp, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, để tham gia các dự án tại doanh nghiệp, sinh viên còn được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx.
Một số môn tiêu biểu trong đào tạo ngành thiết kế vi mạch ở các trường đại học là: Toán, Vật lý, Lập trình, Mạch điện tử, Cấu trúc máy tính, Xử lý tín hiệu và thông tin, Hệ thống nhúng và thiết kế giao tiếp nhúng, Cơ sở công nghệ vi điện tử, Thiết kế mạch tích hợp cỡ lớn VLSI, Thiết kế IC tương tự (Analog IC Design), Kiểm chứng và kiểm tra vi mạch (IC Verification and Testing)…
Lương kỹ sư thiết kế vi mạch
Khảo sát của HSIA cho thấy kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng một tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15-30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ mỗi năm.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Còn nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500-3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).
Ngành thiết kế vi mạch học trường nào?
Thời gian qua chưa có nhiều trường mở ngành riêng đào tạo về thiết kế vi mạch. Trong chương trình đào tạo ngành Điện tử – Viễn thông hoặc Vật lý kỹ thuật, Điện-Điện tử, Công nghệ… của các trường đại học có đào tạo các kiến thức cơ bản liên quan đến công nghệ vi mạch, mạch tích hợp (integrated circuit) hoặc bán dẫn (semiconductor).
Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch tại khoa Điện-điện tử. Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 3 ngành trình độ ĐH gồm: kỹ thuật điện tử-viễn thông; kỹ thuật viễn thông (Việt-Pháp); hệ thống mạch-phần cứng (chương trình tiên tiến) và 1 ngành trình độ sau ĐH là kỹ thuật điện tử-kỹ thuật viễn thông. Trong năm học 2023-2024, các chương trình đào tạo liên quan thiết kế vi mạch được đưa vào vận hành thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm 2.
Gần đây, một số trường công bố mở ngành/chuyên ngành Thiết kế vi mạch như Đại học Công nghệ thông tin TPHCM, Đại học FPT, Đại học Bách khoa TPHCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…
Điểm chuẩn ngành thiết kế vi mạch
Tuyển sinh vào nhóm ngành liên quan thiết kế vi mạch thường xét tổ hợp A0 (Toán –Lý –Hóa), A1 (Toán- Lý –Anh), nếu chọn phương thức xét học bạ hay xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Điểm chuẩn vào các ngành đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch ở các trường ĐH tốp đầu phù hợp với học sinh giỏi.
- Điểm chuẩn ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính/chuyên ngành thiết kế vi mạch năm 2023 là 25,4.
- Điểm chuẩn Đại học Bách khoa Hà Nội/chuyên ngành thiết kế vi mạch, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông theo phương thức thi tốt nghiệp THPT 2023 là 26,46 (khối A00, A01) với chương trình chuẩn và 25.99 (khối A00, A01) với chương trình tiên tiến.
- Điểm chuẩn Đại học Bách khoa TPHCM/ chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành Điện tử – Viễn thông năm 2023 là 66,59 – theo cách tính điểm riêng…
Bài viết liên quan: