Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số trong giáo dục như thế nào?

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành, mà còn tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước.

Chuyển đổi số là gì?

Theo Microsoft, chuyển đổi số là một sự đổi mới kinh doanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), cung cấp những cách mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh của họ.

Chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data),… vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu.

Chuyển đổi số không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,…) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức,…

Như vậy, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có

Chuyển đổi số trong giáo dục là gì?

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ  nói về chuyển đổi số trong giáo dục như sau:

“Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”.

Như vậy việc chuyển đổi số trong giáo dục tập trung vào hai nội dung chính: Chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.

Chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.

Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

Lợi ích chuyển đổi số trong giáo dục

Chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích

  • Thay vì tham gia các buổi học trên lớp, khi chuyển đổi số, người học có thể đăng ký các khóa học E-Learning với chi phí thấp hơn. Ngoài ra, học sinh, sinh viên chỉ cần chọn các khóa học mình thật sự yêu thích và quan tâm. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí cho các môn học không cần thiết, mà còn giúp người học học tập chất lượng hơn. Với việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý điểm, tuyển sinh, thi cử, hồ sơ… nhà trường và giáo viên đều có thể tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Chuyển đổi số trong giáo dục mang đến một kho tài liệu khổng lồ, không giới hạn. Do đó, người học có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin cần thiết cho việc học của mình. Việc khai thác học liệu sẽ được diễn ra nhanh chóng thông qua các thiết bị trực tuyến. Đồng thời, người dùng cũng không cần lo lắng vì giới hạn khả năng tài chính. Chuyển đổi số giúp rút ngắn quá trình trao đổi tài liệu giữa học sinh và giáo viên. Ngoài ra, chi phí in ấn cũng được giảm thiểu tối đa.
  • Chuyển đổi số mở ra kỷ nguyên học tập thoải mái qua mạng Internet. Do đó, người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Với tiện ích này, người học có thể tiếp thu kiến thức thuận tiện và dễ dàng hơn. Việc này đã mở ra một nền giáo dục hoàn toàn mới, phù hợp với tính chất xã hội hiện tại.
  • Chuyển đổi số với sự phát triển của các lớp học trực tuyến giúp người học thoải mái hơn trong việc lựa chọn không gian cũng như thời gian. Người học không bị gò bó bởi giờ giấc giảng dạy trên lớp cũng như tiết kiệm được chi phí đi lại.
  • Không chỉ mang đến lợi ích cho người học, chuyển đổi số còn hỗ trợ người dạy trong quá trình đào tạo, bổ sung kiến thức cho học viên, qua một số lợi ích thiết thực như: Quản lý hồ sơ giáo dục, thông tin của học sinh; quản lý, chia sẻ dữ liệu từ các trường khác nhau; ghi lại lịch sử buổi học, bảng điểm đảm bảo được tính công khai, minh bạch; Theo dõi hoạt động của học sinh; quản lý, giám sát quá trình học tập của học sinh; Lưu trữ mọi kiến thức trong không gian mạng…. 

Lộ trình chuyển đổi số trong giáo dục

Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu khá rõ mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục.

Mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025

 Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học

 Về tiếp cận giáo dục trực tuyến:

50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

 Về môi trường giáo dục trực tuyến:

+ Hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh, sinh viên sử dụng;

+ Hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông;

+ Hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.

 Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến:

+ Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học;

+ Tỉ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%;

+ Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).

 Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục

 Về quản trị nhà trường: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó:

+ 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc;

+ 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.

 Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả, trong đó:

+ Cơ sở dữ liệu toàn ngành được hoàn thiện, kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia;

+ Các cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương tới các địa phương được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp sở; 80% hồ sơ công việc tại cấp phòng được giao dịch và giải quyết trên môi trường số (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

 Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân

+100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán);

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%;

+ Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%;

+ Tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 80%.

Mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục đến năm 2030

Đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số, trong đó:

– Hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến quốc gia tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông;

– Giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến;

– 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Nhận bài viết mỗi ngày Nhận Lần khác