500x414 Optimize

Bằng kỹ sư và cử nhân khác nhau như thế nào?

          Xưa nay nhiều người mặc định tốt nghiệp các ngành đào tạo lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đương nhiên được cấp bằng kỹ sư. Thực tế lại khác, hiện cùng một ngành kỹ thuật công nghệ, tùy trường, tùy chương trình, sinh viên có thể được cấp bằng cử nhân hay kỹ sư. Vậy kỹ sư và cử nhân khác nhau như thế nào? Chọn học kỹ sư tốt hay cử nhân tốt hơn?

Bằng kỹ sư là gì?

 Bằng kỹ sư là loại văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học, chuyên về các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Ví dụ như Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư hàng không, Kỹ sư xây dựng, Kỹ sư điện, Kỹ sư phần mềm, Kỹ sư hóa học, Kỹ sư môi trường, Kỹ sư máy tính…

Bằng kỹ sư được cấp cho các chương trình đào tạo trên 150 tín chỉ, sinh viên thường mất 4,5-5 năm để hoàn thành chương trình này.

Bằng cử nhân kỹ thuật là gì?

Bằng cử nhân kỹ thuật là một bằng đại học cơ bản, được trao cho sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học đại học  chuyên ngành kỹ thuật công nghệ. Chẳng hạn như Cử nhân công nghệ thông tin, Cử nhân Khoa học máy tính, Cử nhân Điện-Điện tử…

 Bằng cử nhân kỹ thuật được cấp cho các chương trình đào tạo cơ bản khoảng 120 tín chỉ, sinh viên thường mất 3-4 năm để hoàn thành chương trình này.

Bằng kỹ sư và cử nhân khác nhau như thế nào?

Bằng kỹ sư và cử nhân khác nhau chủ yếu ở các điểm sau đây:

-Thời gian đào tạo kỹ sư sẽ lâu hơn cử nhân. Để lấy bằng kỹ sư, bạn sẽ mất 4,5-5 năm, còn cử nhân là 3-4 năm.

-Tổng tín chỉ chương trình kỹ sư nhiều hơn chương trình cử nhân. Kỹ sư là trên 150 tín chỉ, còn cử nhân chỉ 120 tín chỉ.

Ví dụ ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, chương trình đào tạo ngành logistics thiên về kỹ thuật sẽ cấp bằng kỹ sư, thời gian đào tạo không tính môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất thì gồm 150 tín chỉ. Nếu thiên về quản trị, quản lý thì số lượng là 120 tín chỉ và cấp bằng cử nhân.

-Chương trình đào tạo của bằng cử nhân thường tập trung vào nghiên cứu và hiểu sâu về lý thuyết, còn chương trình đào tạo bằng kỹ sư lại chú trọng đến vấn đề kỹ thuật cũng như hoạt động thực hành, tham gia dự án thực tiễn.

Bằng cử nhân và bằng kỹ sư cái nào hơn?

Không thể so sánh cái nào hơn giữa bằng cử nhân và bằng kỹ sư. Bởi vì, mỗi bằng có một thế mạnh riêng và việc lựa chọn giữa hai học vị bằng cử nhân hay bằng kỹ sư phụ thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp và sự đam mê của người học.

Khi xin việc, cả hai loại bằng cử nhân và bằng kỹ sư đều có cơ hội tìm việc làm như nhau. Quan trọng là năng lực và kinh nghiệm của người nhận bằng.

Vì vậy, ngoài yếu tố chuyên môn, bạn cũng phải trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, tư duy, phân tích và các kỹ năng bổ trợ công việc.

Các trường được cấp bằng kỹ sư

Hiện nay đối với khối kỹ thuật công nghệ, tùy theo ngành, có trường chỉ cấp bằng cử nhân kỹ thuật, một số cấp cả hai loại bằng, số khác chỉ cấp bằng kỹ sư.

Chẳng hạn cùng là ngành Khoa học máy tính nhưng bên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) đào tạo chương trình là cử nhân Khoa học máy tính, sẽ được cấp bằng cử nhân.

 Trong khi đó, tại một số trường khác, như Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), chuẩn đầu ra sẽ được cấp bằng kỹ sư.

Học ngành Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông của Trường Đại học Giao thông Vận tải – Phân hiệu tại TPHCM (UTC2) thí sinh có thể được cấp bằng cử nhân hay kỹ sư tùy chương trình đào tạo 4 hay 5 năm.

Đáng chú ý là từ năm 2019, nhiều trường đã tiến hành cập nhật chương trình đào tạo kỹ sư đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo quy định. Đến nay có thêm rất nhiều trường được cấp bằng kỹ sư theo quy định của Luật Giáo dục Đại học 2018.

Sau đây là các trường đại học uy tín cấp bằng kỹ sư:

  • ĐH Bách khoa Hà Nội
  • Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
  • Học viện Bưu chính Viễn thông
  • Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng
  • Trường ĐH Bách khoa TPHCM
  • Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM
  • Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM
  • Trường ĐH Cần Thơ
  • Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
  • Trường ĐH Văn Lang
  • Trường ĐH Công nghiệp TPHCM…

Bằng cử nhân có học lên kỹ sư được không?

Theo quy định hiện hành, nếu chương trình đào tạo thiết kế lấy bằng cử nhân, sinh viên sẽ phải học tích lũy đủ tối thiểu 120 tín chỉ (áp dụng cho tất cả các ngành).

Đối với một số ngành đặc thù, chuyên sâu (đa số là khối ngành kỹ thuật, công nghệ), nếu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên sẽ nhận được bằng kỹ sư.

Hiện nay đa số sinh viên chọn chương trình cử nhân hay kỹ sư ngay từ năm nhất. Nhưng cũng có nhiều sinh viên tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật muốn học chuyên sâu lên kỹ sư. Mong muốn này của sinh viên vẫn được các trường tạo điều kiện.

Chẳng hạn ở  Trường Đại học Công Thương TPHCM, sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật có thể tốt nghiệp lấy bằng cử nhân, sau đó nếu muốn lấy bằng kỹ sư thì phải học thêm tối thiểu 30 tín chỉ chuyên môn của ngành.

325x40
Nhận bài viết mỗi ngày