500x414

Ngành Công nghệ Giáo dục là gì? Học ở đâu?

        Ghi nhận bởi hãng nghiên cứu P&S Intelligence, quy mô thị trường công nghệ giáo dục toàn cầu dự kiến đạt 998,4 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép là 17,3%. Các tổ chức giáo dục, cơ sở đào tạo, trường học và doanh nghiệp đều đang tìm kiếm nhân sự Công nghệ giáo dục để tạo ra các nội dung giảng dạy sáng tạo. Vì thế theo học ngành Công nghệ Giáo dục, người học sẽ rộng cơ hội việc làm và thăng tiến.

Ngành Công nghệ Giáo dục là gì

Ngành Công nghệ Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực về công nghệ thông tin chuyên cho lĩnh vực giáo dục và truyền thông, thích ứng với thách thức và cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho giáo dục hiện đại.

Ngành này là lĩnh vực khá đa dạng, bao gồm: thiết kế dạy học; phát triển nội dung; phát triển phần mềm, đồ hoạ phục vụ dạy và học; sản xuất nội dung truyền thông số và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ giáo dục số,…

Một số sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ giáo dục có thể kể như: ứng dụng ELSA hoặc Duolingo để học ngoại ngữ, nền tảng về quản lý hệ thống học tập  Canvas, nền tảng Coursera hoặc là edX – nơi các khóa học của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới được đăng tải,…

Tại Việt Nam đã có hơn 700 sản phẩm công nghệ giáo dục ở trên thị trường, tổng đầu tư vào công nghệ giáo dục năm 2022 dao động khoảng 150 triệu đô la. Phụ huynh, học sinh đã quen thuộc với những khóa học trực tuyến trên nền tảng của Học mãi, các sản phẩm để học sinh có thể luyện thi hoặc tham gia các kỳ thi như Violympic, các nền tảng phục vụ cho các khóa học dành cho đối tượng là người lớn đi làm như Edumall,…

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Giáo dục

Ngành Công nghệ giáo dục có tính liên ngành rất cao, bao gồm các khối kiến thức về khoa học giáo dục, tâm lý học, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học quản lý.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, trong chương trình học 4 năm, bên cạnh khối kiến thức đại cương, sinh viên sẽ học các khối kiến thức liên quan đến cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Khối kiến thức cơ sở ngành gắn liền với kiến thức về khoa học giáo dục, tâm lý học và một phần về công nghệ thông tin. Khi bắt đầu vào chuyên ngành, sinh viên sẽ được lựa chọn một trong ba định hướng, gắn với vị trí việc làm sau này.

Nếu định hướng liên quan đến môi trường học tập giàu công nghệ, sinh viên sẽ được hướng đến các vị trí việc làm như BA (phân tích nghiệp vụ), thiết kế hoặc quản trị các hệ thống quản lý học tập, phát triển thành những chuyên gia tư vấn, thực hiện hỗ trợ các giáo viên, giảng viên trong việc ứng dụng phương pháp dạy học theo STEAM hoặc STEM,…

Nếu định hướng là ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong giáo dục, khi lựa chọn chóm này, sinh viên sẽ học khối lượng kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông nhiều hơn. Các bạn sẽ hướng đến các vị trí như người thiết kế và phát triển các sản phẩm về công nghệ giáo dục (ví dụ như video số, thiết kế game hoặc các sản phẩm sử dụng trong thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường,…).

Nếu định hướng là công nghệ giáo dục, sinh viên hướng đến đảm nhiệm các vị trí chuyên gia về đào tạo trong các doanh nghiệp, tức là người xây dựng các chương trình đào tạo hoặc xây dựng học liệu số cho khóa đào tạo nội bộ của doanh nghiệp, tổ chức.

Ngành Công nghệ giáo dục ra làm gì?

Tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục, bạn có thể tham gia nhiều vị trí việc làm trên thị trường lao động. Theo Đại học Bách khoa Hà Nội, các vị trí việc làm ngành Công nghệ giáo dục như sau:

  •  Chuyên gia thiết kế khóa học, chuyên gia giáo dục số, chuyên viên quản trị hệ thống dạy học trực tuyến, chuyên viên quản lý đào tạo, chuyên viên tư vấn – chăm sóc người học tại các công ty Giáo dục số/Giáo dục trực tuyến, các trường đại học/cao đẳng.
  •  Chuyên viên thiết kế và phát triển học liệu, các sản phẩm công nghệ giáo dục (web/game/mô phỏng/thực tại ảo/thực tại tăng cường) ở các công ty Thiết kế và sáng tạo đa phương tiện giáo dục và truyền thông.
  • Chuyên gia STEAM, Giáo viên dạy Công nghệ theo mô hình STEAM cho các trường phổ thông ở mọi cấp độ từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.
  • Chuyên viên phát triển nội dung tại phòng kỹ thuật, phát triển nội dung Khoa Giáo của các đài truyền hình, đài phát thanh từ trung ương đến địa phương ở các tỉnh, thành phố trên cả nước;
  • Chuyên viên thiết kế, phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ giáo dục tại các công ty thiết bị trường học, các nhà xuất bản (lĩnh vực sách và các ấn phẩm điện tử)…

Mức lương ngành Công nghệ Giáo dục

Ngành Công nghệ Giáo dục có mức thu nhập phổ biến từ 7-15 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào năng lực của sinh viên tốt nghiệp và quy mô của doanh nghiệp.

Ngành Công nghệ Giáo dục học trường nào?

Hiện nay tại Việt Nam chưa nhiều trường đại học đào tạo chuyên sâu ngành Công nghệ Giáo dục. Bạn có thể tham khảo 3 trường sau đây.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh Ngành Công nghệ Giáo dục với chỉ tiêu 120/năm.

Chương trình đào tạo rất chú trọng hoạt động trải nghiệm thực tế. Bên cạnh các giờ học kiến thức, sinh viên sẽ có khoảng 30% thời lượng thực hành (làm các bài thí nghiệm, thực hành trong các phòng lab) và 25% thời lượng học tập là tham gia các dự án gắn với doanh nghiệp.

Trong tất cả các học phần, các đồ án môn học hoặc đồ án tốt nghiệp,  trường đều hướng  sinh viên phải thực hiện các đề án, dự án.

Trường ĐH Giáo dục: Nhà trường đào tạo cử nhân Quản trị Công nghệ Giáo dục, chỉ tiêu 120/năm.

 Chương trình đào tạo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các cơ sở giáo dục và đào tạo (các cấp) có khả năng nắm vững các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về giáo dục, công nghệ, ứng dụng các hiểu biết và kĩ năng thực hành để nghiên cứu triển khai, phát triển và quản trị các công nghệ mới trong giáo dục, tích hợp hệ thống thông minh đề tổ chức và quản lí hoạt động dạy học hiệu quả trong các môi trường giáo dục mới (hiện thực ảo – VR, thực tế tăng cường – AR, thực tế hỗn hợp – MR, E-learning và Blended learning). 

Người học sẽ có  các hướng phát triển nghề nghiệp sau: Quản trị hệ thống thông tin trong giáo dục và đào tạo trực tuyến, ứng dụng các công nghệ mới thông minh trong nhà trường; Thiết kế, phát triển và quản trị công nghệ giáo dục thông minh.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Trường tuyển sinh ngành Công nghệ Giáo dục từ năm 2024. Tại SIU, sinh viên sẽ học tập trong các phòng học thông minh, được trang bị đầy đủ thiết bị số và công nghệ tương tác để tối ưu hóa quá trình học. Phòng lab và phòng thực hành được thiết kế để sinh viên có thể thực hành và trải nghiệm với những công nghệ giáo dục mới nhất, từ thực tế ảo đến trí tuệ nhân tạo.

Nội dung chương trình đào tạo của ngành được tăng cường ngoại ngữ. Trong đó, có thêm 2 học phần về Khởi nghiệp sáng tạo cùng Viết luận văn nhằm chú trọng phát triển giáo dục cá nhân và kỹ năng viết bài luận để sinh viên tìm kiếm các cơ hội học tập ở nước ngoài.

Ngành Công nghệ Giáo dục điểm chuẩn

Điểm chuẩn ngành Công nghệ Giáo dục không quá cao. Bạn có thể tham khảo điểm chuẩn như sau:

  • Đại học Bách khoa Hà Nội: Năm 2023: 24,55 (điểm thi TN); 58,69 (Đánh giá tư duy)
  • Trường ĐH Giáo dục: Năm 2023: 20,50 (điểm thi TN)
  • Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Tuyển mới 2024
325x40
Nhận bài viết mỗi ngày Nhận Lần khác