500x414

Phân hiệu đại học là gì? Có nên học trường phân hiệu?

Ngày càng có nhiều trường đại học lớn mở phân hiệu ở các địa phương. Đăng ký xét tuyển vào học ở các phân hiệu đại học thí sinh được nhiều lợi ích.

Phân hiệu đại học là gì?

 Theo luật pháp Việt Nam, phân hiệu đại học được hiểu theo 3 loại sau:

 Phân hiệu đại học Việt Nam tại Việt Nam là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học trong nước, không có tư cách pháp nhân, được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học;

Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam là do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập tại Việt Nam và bảo đảm điều kiện hoạt động;

Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại nước ngoài là do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thành lập tại nước ngoài, bảo đảm điều kiện hoạt động và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong bài viết này truongvietnam tập trung nói về phân hiệu đại học Việt Nam ở các tỉnh thành.

Trường nào có phân hiệu đại học?

Hiện khá nhiều trường đại học Việt Nam mở phân hiệu đại học ở các tỉnh thành.

Các đại học phía Bắc có phân hiệu đại học

  • Đại học Thái Nguyên: Phân hiệu tại Lào Cai, Hà Giang
  • Đại học Luật Hà Nội: Phân hiệu tại Đăk Lăk
  • Đại học Thủy Lợi: Phân hiệu TPHCM
  • Đại học Lâm nghiệp: Phân hiệu Đồng Nai
  • Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội: Phân hiệu Thanh Hóa
  • Đại học Giao thông vận tải: Phân hiệu TPHCM
  • Đại học Y Hà Nội: Phân hiệu Thanh Hóa
  • Đại học FPT:  Phân hiệu Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. HCM và Cần Thơ.

Các đại học miền Trung có phân hiệu đại học

  • Đại học Đà Nẵng: Phân hiệu Kon Tum
  • Đại học Huế: Phân hiệu Quảng Trị
  • Đại học Đông Á: Phân hiệu Đăk Lắk
  • Trường ĐH Tài chính kế toán: Phân hiệu Huế

Các đại học phía Nam có phân hiệu đại học

  • Đại học Nông lâm TPHCM: Phân hiệu Ninh Thuận, Gia Lai
  • Đại học Công nghiệp TPHCM: Phân hiệu Quảng Ngãi
  • Đại học Sư phạm TPHCM: Dự kiến phân hiệu Long An, Gia Lai
  • Đại học Kinh tế TPHCM: Phân hiệu Vĩnh long
  • Đại Học Quốc gia TPHCM: Phân hiệu Bến Tre
  • Đại học Cần Thơ: Phân hiệu Sóc Trăng, Hậu Giang

Có nên học trường phân hiệu?

Có nên học trường phân hiệu là câu hỏi thí sinh thường đặt ra.

Thực tế, các phân hiệu trường đại học không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên. Sau đây là một số lợi ích nổi bật mà sinh viên có thể thụ hưởng khi học ở trường phân hiệu:

  • Điểm đầu vào mềm: So với cơ sở chính, tuyển sinh vào các phân hiệu đại học điềm đầu vào mềm hơn rất nhiều, có nơi thấp hơn đến 3-5 điểm.
  • Học phí thấp: So với cơ sở chính, sinh viên đóng học phí thấp hơn. Ví dụ học phân hiệu Vĩnh Long của Trường ĐH Kinh tế TPHCM thí sinh chỉ đóng khoảng 80% so với cơ sở chính.
  • Sinh hoạt phí thấp hơn: Học tại địa phương nên sinh viên tiết kiệm được nhiều chi phí sinh hoạt. Trường hợp học xa nhà, sinh viên đa số được tạo điều kiện về ký túc xá.
  • Bằng cấp tốt nghiệp giống cơ sở chính: Chương trình đào tạo ở phân hiệu giống cơ sở chính. Trên bằng tốt nghiệp của sinh viên phân hiệu không phân biệt học cơ sở chính hay phân hiệu, các nhà tuyển dụng cũng không hỏi chi tiết vấn đề này.

Nếu muốn có tấm bằng mang thương hiệu trường mình yêu thích, nhưng điểm đầu vào hơi non, hoặc điều kiện kinh tế hạn chế, thí sinh có thể mạnh dạn ăn cơm nhà, học gần nhà với trường phân hiệu.

Hiện nay, đa số các trường nỗ lực nâng cao chất lượng phân hiệu để bảo đảm ngang cơ sở chính. Có trường 100% giáo viên cơ sở chính dạy toàn chương trình, có trường 50% giảng viên cơ sở chính dạy môn chuyên ngành, cơ sở ngành, giảng viên phân hiệu chỉ dạy môn cơ bản. Một số trường luân chuyển campus cho sinh viên năm 3 hay 4 như Đại học Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM…

325x40
Nhận bài viết mỗi ngày Nhận Lần khác