500x414

Nghề môi giới học trường nào? Cần tố chất gì?

  Nhiều bạn trẻ muốn phát triển sự nghiệp của mình trong những cơ quan, tổ chức, công ty trong lĩnh vực môi giới (Agency), làm người môi giới (Broker).  Câu hỏi thường được các bạn đặt ra trong quá trình tìm hiểu thông tin nghề nghiệp thường là: Nghề môi giới là gì? Môi giới có những lĩnh vực nào? Muốn làm nghề môi giới học trường nào? Nghề môi giới cần những tố chất nào?…

Môi giới là gì?

Môi giới là hành vi làm trung gian cho các bên tiếp xúc, đàm phán và thiết lập các quan hệ để hưởng thù lao.

Nội dung của hoạt động môi giới thường chỉ gồm việc tìm kiếm khách hàng và tiến hành một số đàm phán ban đầu với họ, tổ chức cho người được môi giới tiếp xúc với khách hàng và hỗ trợ các bên trong việc đàm phán và kí kết hợp đồng. Khác với người đại diện, người môi giới không trực tiếp giao kết hợp đồng với khách hàng.

Điều 150 Luật thương mại 2005, đã định nghĩa về môi giới thương mại như sau: Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

Theo đó, môi giới thương mại được thực hiện bởi một thương nhân đứng ra làm vai trò trung gian để các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đàm phán, giao kết hợp đồng. Bên môi giới thương mại được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới đã ký kết trước đó.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong môi giới thương mại

Luật Thương mại năm 2005 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của bên môi giới và bên được môi giới, cụ thể được ghi nhận từ điều 151 đến 153. Các bên có quyền và  nghĩa vụ sau đây:

Quyền và nghĩa vụ của bên môi giới

 Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Được hưởng thù lao môi giới theo như thỏa thuận và các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới (kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới)
  • Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;
  • Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;
  • Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;
  • Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.

Quyền và nghĩa vụ của bên được môi giới

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Có quyền yêu cầu bên môi giới thực hiện đúng, đủ các nội dung công việc môi giới
  • Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;
  • Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.

Như vậy, môi giới thương mại hiện nay được xếp vào các hoạt động trung gian thương mại cùng với vai trò giúp cho bên bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tìm được khách hàng. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để bên mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình. Ngoài ra, với nghĩa vụ “Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới” sẽ đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Một số nghề môi giới phát triển hiện nay

Phạm vi của môi giới rất rộng và các quan hệ môi giới được thiết lập dựa trên cơ sở hợp đồng.

Hiện nay có một số ngành nghề môi giới thương mại được pháp luật cho phép như:

  1. Lĩnh vực mua bán: Môi giới mua bán hàng hóa;
  2. Môi giới tài sản: Môi giới bất động sản, môi giới nhà đất, môi giới phòng trọ;
  3. Nghề môi giới dịch vụ: Môi giới  chứng khoán, môi giới bảo hiểm, môi giới hải quan, môi giới việc làm.

Sau đây là một số nghề môi giới phổ biến:

  • Môi giới bất động sản:  Là những người tư vấn cung cấp cho người mua, người bán những thông tin cần thiết về việc giao dịch mua, bán bất động sản. Nhờ họ mà hoạt động thị trường bất động sản được trôi chảy. Họ cũng là nguồn để khai thác thông tin về thị trường bất động sản mà nhà thẩm định giá cần quan tâm. Nhà nước khuyến khích hoạt động môi giới chuyên nghiệp.
  • Môi giới phòng trọ: Là việc cá nhân hay tổ chức thực hiện việc trung gian trong lĩnh vực cho thuê nhà, cho thuê phòng trọ.
  • Môi giới chứng khoán: Là các bên đại diện, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, họ có thể là tổ chức, công ty hay cá nhân. Họ có nhiệm vụ đưa ra những lời khuyên đúng đắn và vạch ra những hướng giao dịch sinh lợi cho khách hàng.
  • Môi giới bảo hiểm: Được hiểu theo luật là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm. Về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm. Và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.
  • Môi giới hải quan: Có thể hiểu là tổ chức hoặc cá nhân. Chuyên cung cấp dịch vụ sắp xếp thông quan hàng hóa thông qua hải quan và các cơ quan hành chính khác. Hoặc các dịch vụ liên quan bao gồm: Xử lý hợp đồng hải quan, hỗ trợ phân loại, vận chuyển hàng hóa để vận chuyển.  
  • Môi giới việc làm: Là tổ chức hoạt động chuyên về môi mới, tư vấn việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động. Các vấn đề cần tư vấn như: Lựa chọn nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng và nguyện vọng. Bên cạnh đó, còn tổ chức đào tạo, mở các chương trình, dự án về việc làm cho các đối tượng có nhu cầu.
Khó khăn của nghề môi giới bđs

Top 3 khó khăn của lĩnh vực môi giới, đặc biệt là môi giới bất động sản:
1. Khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng
2. Khó khăn về nâng cao kỹ năng thuyết phục khách hàng
3. Là nghành rất cạnh tranh

Nghề môi giới học trường nào?

Hiện nay chưa có một trường nào đào tạo chuyên nghiệp về nghề môi giới nói chung. Tùy theo lĩnh vực môi giới, hoặc quan tâm của từng người mà có thể chọn các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến hoạt động môi giới, hay các ngành kinh tế  nói chung.

Chẳng hạn theo lĩnh vực môi giới bất động sản, cho thuê phòng trọ, bạn có thể học ngành Bất động sản; lĩnh vực chứng khoán có thể theo học Tài chính ngân hàng, Kinh tế đầu tư, Chứng khoán…; Lĩnh vực môi giới hải quan có thể học Kinh doanh quốc tế, Ngoại thương, Logistics…; Lĩnh vực Kinh doanh thương mại nói chung có thể học ngành Kinh doanh thương mại, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế…

Trên thực tế trong quá trình làm việc ở từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, tùy theo cơ duyên, năng khiếu, quan hệ, mỗi người cũng có thể tự học và bước chân vào nghề môi giới.

Hiện nay, tùy từng lĩnh vực cũng sẽ có những lớp kỹ năng ngắn hạn để đào tạo người môi giới trong lĩnh vực đó, ví dụ như bất động sản, chứng khoán… Một số lĩnh vực, người tham gia môi giới bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo chuyên nghiệp, ví dụ như Chứng chỉ hành nghề Môi giới chứng khoán, hải quan…

Nghề môi giới cần tố chất gì?

Môi giới là nghề có nhiều áp lực, vì thế, để thành công trong lĩnh vực này, ngoài năng lực chuyên môn, đòi hỏi người theo nghề phải có những tố chất, kỹ năng sau:

  • Có kỹ năng giao tiếp và thuyết phục, biết lắng nghe khách hàng và biết cách thuyết phục trong mọi giao dịch. Bởi yếu tố quyết định thành công của người làm môi giới là có thuyết phục được khách ký hợp đồng giao dịch hay không.
  •  Đức tính kiên trì là rất cần thiết, vì việc theo đuổi khách hàng không thể có thành quả trong một đến hai ngày hoặc khoảng thời gian cố định nào đó.
  • Với nghề môi giới, bạn chính là người tạo ra công việc cho bạn. Mức độ cạnh trạnh rất cao, nhiều tình huống bất ngờ xảy ra có thể  khiến bạn nản lòng. Bạn phải xác định mình là người có khả năng chịu đựng cao, có  tinh thần thép.
  • Bạn phải là người biết cách ngoại giao, xây dựng quan hệ và giữ quan hệ để phát triển mạng lưới đối tác và khách hàng.
325x40
Nhận bài viết mỗi ngày Nhận Lần khác