Ngày nay, với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, kỹ thuật máy tính đã có mặt ở khắp mọi nơi, ứng dụng vào rất nhiều các ngành nghề. Vì thế ngành này đang là một trong những ngành nghề thiếu nhân lực và đặc biệt thiếu trong vòng 10 năm nữa bởi sự đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam cũng như được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Ngành Kỹ thuật máy tính là gì?
Kỹ thuật máy tính là một ngành khá đặc biệt trong nhóm ngành Công nghệ thông tin, là ngành học kết hợp kiến thức cả hai lĩnh vực Điện tử và Công nghệ thông tin.
Ngành Kỹ thuật máy tính nhằm nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp để thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng đó.
Kỹ thuật máy tính được nói đến trong nhiều khía cạnh của máy tính, từ thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến thiết kế vi xử lý, máy tính cá nhân và kể cả các siêu máy tính. Đặc biệt trong việc thiết kế các hệ thống nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện-điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các bộ điều khiển trong các máy móc, các robot công nghiệp.
Ngành Kỹ thuật máy tính học gì?
Chương trình toàn khoá ngành Kỹ thuật máy tính khoảng 136-155 tín chỉ, học từ 4-4,5 năm tuỳ trường.
Người học được đào tạo để có kỹ năng phân tích – thiết kế – xây dựng hệ thống phần cứng lẫn phần mềm trong các lĩnh vực:
- Công nghệ thiết kế chip
- Công nghệ Robot
- Hệ thống nhúng
- Hệ thống điện – điện tử
- Hệ thống điều khiển tự động
Chương trình học sẽ cung cấp các kỹ năng lập trình trên máy tính, Smartphone, tablet, các hệ thống nhúng sử dụng các ngôn ngữ như: Assembly, C, C++, System C, Java, C#, Verilog/VHDL.
Trang bị cho sinh viên kinh nghiệm làm việc thực tế từ những khóa thực tập tại các công ty, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực máy tính, thiết kế vi mạch, hệ thống
Các môn học đáng chú ý: Tiếng Anh chuyên ngành; Cấu trúc dữ liệu và giải thuật; Toán rời rạc; Toán chuyên đề; Mạch và tín hiệu; Điện tử; Mạch lôgic; Kiến trúc máy tính; Hệ điều hành; Cơ sở dữ liệu; Kỹ thuật lập trình; Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin; Mạng máy tính; Hệ vi xử lý; Xử lý tín hiệu số; Hệ thống nhúng; Lập trình thiết kế mạch số…
Ngành Kỹ thuật máy tính ra trường làm gì?
Tốt nghiệp Ngành Kỹ thuật máy tính, sinh viên có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp như:
– Lập trình viên, đặc biệt là lập trình các phần mềm nhúng trên các thiết bị di động (Smartphone, Tablet, iphone, ipad,… ), các vi xử lý-vi điều khiển trong các hệ thống công nghiệp, xe ô tô, điện gia dụng, ngôi nhà thông minh,…
– Kỹ sư thiết kế mạch điện – điện tử, mạch điều khiển trong công nghiệp, vi mạch, chip,…
– Kỹ sư đảm nhiệm các công việc về công nghệ thông tin nói chung trong các cơ quan, doanh nghiệp chuyên và không chuyên về công nghệ thông tin
– Làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu
– Học tiếp lên cao học, tiến sĩ các ngành nhóm Công nghệ thông tin
Mức lương Ngành Kỹ thuật máy tính
Lương ngành kỹ thuật máy tính cao hay thấp có rất nhiều yếu tố tác động đến, ảnh hưởng bởi các yếu tố như vị trí công việc, trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, thâm niên trong nghề…
Sinh viên mới tốt nghiệp thường mức lương rơi vào khoảng 6 – 9 triệu đồng/tháng.
Từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc, mức lương trung bình 12-15 triệu đồng/tháng.
Đối với những người lao động đã có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở nên thì mức lương trung bình sẽ rơi vào 15-25 triệu đồng/tháng.
Mức lương vị trí quản lý trên 25 triệu đồng/tháng, sẽ cao hơn nếu làm ở các công ty đa quốc gia
Những tố chất cần thiết để theo học Ngành Kỹ thuật máy tính
Yêu thích công nghệ
Có tư duy logic, khá giỏi Toán, Vật Lý.
Kiên nhẫn, có thể làm việc lâu dài với máy móc
Ham học hỏi, cập nhật xu hướng công nghệ
Có trình độ ngoại ngữ
Ngành Kỹ thuật máy tính xét tuyển khối nào?
Hiện các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu xét theo điểm thi tốt nghiệp hay tổ hợp môn học bạ, Ngành Kỹ thuật máy tính thường xét tuyển các tổ hợp môn sau:
- A00: Toán – Vật lý – Hóa học
- A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh
- D01: Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh
- D90: Toán – Khoa học tự nhiên – Tiếng Anh
- D07: Toán – Hóa học – Tiếng Anh
- B00: Toán – Hóa học – Sinh học
- C01: Ngữ văn – Toán – Vật lý
Ngành Kỹ thuật máy tính học trường nào? Điểm chuẩn?
Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính khu vực phía bắc
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: 28,1 (Năm 2021); 28,29 (năm 2022)
- Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Thái Nguyên (CNTT): 16 (năm 2021); 18 (năm 2022)
- Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên: 16 (năm 2021); 16 (năm 2022)
- Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp: 17,25 (năm 2021), 22,2 (năm 2022)
- Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: 25,1 (năm 2021); 24,70 (năm 2022)
Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính khu vực mi ền Trung
- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (CNTT): 18 (năm 2021), 20 (2022)
- Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: 25,85 (năm 2021), 26 (năm 2022)
- Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn: 20 (Năm 2021); 23 (năm 2022)
Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính khu vực miền Nam
- Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM: 27,35 (năm 2021); 66,86 (năm 2022)
- Trường ĐH Công nghệ Thông tin- ĐHQG HCM: 26,4-26,9 (năm 2021); 26,55 (năm 2022)
- TRường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: 25-29 (năm 2021); 24,75-25,75 (năm 2022)
- Trường Đại học Cần Thơ: 23,75 (năm 2021); 24,5 (năm 2022)
- Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: 24,25 (năm 2021), 24 (năm 2022)
Bài viết liên quan: