Ngành Robot là gì? Kỹ thuật robot học gì?

Kỹ thuật robot là ngành học mới được tổ chức tuyển sinh lần đầu trong kỳ tuyển sinh 2018, tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một ngành đào tạo mang tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, Kỹ thuật điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo, phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Robotics là gì

Robotics hay Robot học / Kỹ thuật robot là một ngành kỹ thuật bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành, và ứng dụng robot vào tối ưu hóa thời gian lao động của con người.

Nhu cầu từ xu hướng tự động hóa

Robot đang dẫn đầu ngành tự động hóa, đẩy mạnh việc sản xuất nhờ việc gia tăng tính an toàn, giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật nói chung và tự động hóa nói riêng là nhu cầu thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp và tổ chức. Các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất đều mong muốn tìm kiếm được giải pháp để nâng cao doanh thu và tối ưu sản xuất.

Công nghệ ô tô là một trong những ngành dẫn đầu về sử dụng robot

Xu hướng sử dụng robot đòi hỏi doanh nghiệp phải có lao động trực tiếp tay nghề cao. Việc sử dụng robot trong tự động hóa sản xuất công nghiệp là lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng trong tương lai gần, Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa thì nhu cầu kỹ thuật viên cao cấp cũng vì thế mà tăng cao. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn như Samsung, Toshiba… đang có nhu cầu rất cao về tự động hóa và robot đóng vai trò chủ đạo.

Ông Izaki Hiroshi (Cơ quan đại diện hợp tác quốc tế Nhật Bản – Jica Việt Nam tại TP.HCM)

Đồng thời, doanh nghiệp cần các kỹ sư Kỹ thuật Robot làm việc trong các hệ thống liên quan đến dây chuyền sản xuất công nghiệp đòi hỏi khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều khiển thông minh…

Doanh nghiệp trong khu có nhu cao cầu về lao động, nhất là lao động có chuyên môn và có kỹ năng, nhân lực vận hành các máy móc thiết bị hiện đại cũng như nhân lực về tự động hóa đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ cao hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. 

Ông Lê Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

Ngành Kỹ thuật robot học gì?

Ngành Kỹ thuật Robot là một ngành đào tạo mang tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, Kỹ thuật điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo… Chương trình nhằm đào tạo các kỹ sư với nền tảng mạnh về khoa học và công nghệ liên quan, có khả năng:

  • Thiết kế, xây dựng hệ thống robot gồm cả phần cứng lẫn phần mềm dựa trên nền tảng của cơ khí chính xác, động lực học kỹ thuật, và kỹ thuật điều khiển;
  • Phát triển sự hiểu biết và khả năng áp dụng khoa học cơ bản, toán học, cơ học, khoa học điện, điện tử và tin học vào thực tiễn của ngành Kỹ thuật Robot;
  • Phát triển kiến thức và kỹ năng cần có cho nghề nghiệp tương lai trong ngành Kỹ thuật Robot;
  • Hiểu về các tương tác giữa ngành Kỹ thuật Robot với xã hội, công nghiệp, kinh doanh, công nghệ và môi trường.

Tại trường ĐH Công nghệ, chương trình đào tạo Kỹ sư robot được xây dựng dựa trên sự hợp tác, đồng hành của các GS trường ĐH Công nghệ Chiba – hàng đầu của Nhật Bản và thế giới về công nghệ thiết kế, chế tạo robot, vì thế có tới 95% nội dung tương đương; sinh viên có rất nhiều thời gian được học trong phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại.

Đặc biệt, thực hiện quan điểm học gắn với hành, nên ngay từ năm học thứ nhất, sinh viên được trải nghiệm về robot. Và với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, hàng năm phía trường bạn sẽ nhận số lượng khá lớn cán bộ, giảng viên, sinh viên đến trao đổi hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học về lĩnh vực Kỹ thuật Robot.

Các GS của trường ĐH Công nghệ Chiba cũng đến ĐH Công nghệ để dạy cho sinh viên Việt Nam. Sinh viên học ngành Kỹ thuật Robot sẽ được trải nghiệm và khám phá nhiều điều thú vị khi nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm theo mong muốn của mình. Khi vào trường, học viên sẽ được đào tạo để có nền tảng tốt về môn Toán ứng dụng cho robot và được bồi dưỡng, khơi dậy sự sáng tạo để thỏa mãn đam mê.

Robot được đặt tên là Morta, phục vụ ở một quán café tại Hà Nội (nguồn: zing.vn)

Ngành kỹ thuật Robot làm gì?

Theo Trường Đại học Công nghệ, các vị trí việc làm hấp dẫn sau khi học ngành kỹ thuật Robot ra trường bao gồm:

  • Nhóm 1 là kỹ sư kỹ thuật, thiết kế, quản lý nhóm, dự án: Có năng lực làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực: Robot, Điều khiển và Tự động hóa, Điện, Điện tử – Truyền thông, Công nghệ thông tin. Các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các tập đoàn, nhà máy và các cơ sở sản xuất liên quan đến thiết kế, chế tạo robot thông minh, thiết kế, vận hành các dây truyền sản xuất tự động, tay máy robot công nghiệp, cả về phần cứng, phần mềm, và các hệ thống nhúng.
  • Nhóm 2 là chuyên viên phân tích, tư vấn và kinh doanh: Có khả năng làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn, doanh nghiệp, các bộ và sở, ban, ngành liên quan; có thể đảm nhận các công việc: tư vấn sản phẩm công nghệ, thiết kế phát triển các sản phẩm mẫu…, có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức.
  • Nhóm 3 là nghiên cứu viên và giảng viên: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến Robot, Điều khiển và Tự động hóa; trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần thuộc ngành đào tạo; phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới.

Việt Nam là thị trường mới nổi cho robots. Tại Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu việc sử dụng robot với 488 con/10.000 lao động, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia với 45 con và 34 con. Theo khảo sát từ Frost & Sullivan, thị trường tự động hóa Việt Nam sẽ có trị giá 184,5 triệu USD vào 2021.

Bà Shermine Gotfredsen – Tổng giám đốc Công ty Universal Robots (UR) khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương
Nhận bài viết mỗi ngày Nhận Lần khác